Tỉnh ủy Đồng Nai, cho biết sau gần 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, với việc thực hiện mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, Đồng Nai đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật có ý nghĩa quan trọng, đặt nền móng cho sự phát triển ở chặng đường tiếp theo.
Nổi bật là tăng trưởng kinh tế của Đồng Nai luôn đạt mức cao, là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng. Theo đó, giai đoạn 2011 - 2015 tăng trưởng đạt 12%, giai đoạn 2015 - 2018 đạt trên 8%; dự kiến năm 2019 thu nhập bình quân đầu người của Đồng Nai đạt 112 triệu đồng, tương đương 4.810 USD, cao hơn 1,7 lần so với trung bình chung của cả nước.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đã tạo cho Đồng Nai sự phát triển mới về chất, thúc đẩy quá trình tích lũy đầu tư phát triển kinh tế, tăng mức tiêu dùng của xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hiện nay, Đồng Nai có trên 36.700 doanh nghiệp với vốn đăng ký trên 259.000 tỷ đồng; có 1.447 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với số vốn đăng ký gần 30 tỷ USD. Năm 2018, xuất khẩu của Đồng Nai đạt trên 18,6 tỷ USD, xuất siêu 2,6 tỷ USD; 9 tháng năm 2019 xuất siêu 2,4 tỷ USD.
Tuy nhiên, Tỉnh ủy Đồng Nai nhìn nhận kinh tế phát triển nhưng chưa thật sự bền vững. Tỷ lệ hàm lượng tri thức công nghệ cao còn khá thấp. Những ngành công nghiệp được coi là chủ lực của tỉnh như dệt may, da giày, điện tử còn sử dụng nhiều lao động, tỷ lệ giá trị gia tăng còn thấp. Kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể còn yếu và vẫn dựa vào kinh tế FDI.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao những thành tựu mà Đồng Nai đạt được sau gần 10 năm thực hiện Cương lĩnh năm 2011.
Mặc dù Đồng Nai là địa phương phát triển mạnh về công nghiệp, nhưng cũng là địa phương có nhiều đặc thù như: lượng công nhân đông, tỷ lệ đồng bào công giáo chiếm đến 1/3 dân số của tỉnh, cũng là tỉnh có đến 50% dân số sống ở vùng nông thôn.
Giai đoạn vừa qua mặc dù tình hình chung còn nhiều khó khăn, nhưng Đồng Nai vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao, trên 8%. Đặc biệt, ít có địa phương nào trong cả nước thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước 2 năm như Đồng Nai.
Cho rằng với mức thu 57.000 tỷ đồng, trong đó riêng thu thuế nội địa đạt trên 37.000 tỷ đồng cho thấy nguồn lực từ các doanh nghiệp nội địa của Đồng Nai đóng góp rất lớn, Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, tỉnh Đồng Nai tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó tiếp tục phát triển mạnh đối với ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; thu hút những ngành, lĩnh vực có hàm lượng khoa học kỹ thuật và giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.
Trong đó, tỉnh cần tiếp tục có các biện pháp tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết nối hạ tầng giao thông; vấn đề quỹ đất phục vụ phát triển; huy động vốn đầu tư cho hạ tầng xã hội. Riêng đối với dự án sân bay Long Thành, đây là dự án trọng điểm quốc gia sẽ giúp không chỉ Đồng Nai mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển, do đó tỉnh không thể để chậm, vì nếu chậm ngày nào thì chúng ta mất cơ hội ngày đó.
Đối với vấn đề xây dựng Đảng, Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, Đồng Nai cần xem đây là bài học quan trọng, chưa có địa phương nào mà trong 2 năm có hai Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội bị kỷ luật. Phải xem bài học lớn nhất đó là bài học đoàn kết thống nhất trong Đảng.