Đội thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu: Ký ức một thời thanh niên hào hùng

Ông Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ðoàn Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu, Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh Hà Nội, năm nay đã gần 90 tuổi. Mặc dù mắt mờ, chân yếu, nhưng được gặp những người bạn già tại buổi “Gặp mặt các cựu nam nữ, thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu vẫn thấy ông cười tươi. Tuy cười đáp lại những lời hỏi han của bạn bè nhưng thi thoảng, ông Oanh khẽ  đưa chiếc khăn tay lên mặt, lau vội những giọt nước mắt ứa  ra từ đôi mắt tuổi già.

Ký ức một thời thanh niên cứu quốc, nhất là những ngày mùa thu lịch sử năm 1945 trở về.

Cống hiến quên mình

“Thanh niên chúng tôi thời bấy giờ còn rất trẻ, nhất là những thanh niên học sinh trường Bưởi, là lớp thanh niên nòng cốt phong trào thanh niên của Hà Nội khi đó”, ông Vũ Oanh hồi tưởng.

Ký ức của các thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu ngược về những năm 1939, khi đó, trước cảnh thực dân Pháp đàn áp dã man cách mạng, bắt bớ cầm tù nhiều người yêu nước. Sự đàn áp của thực dân Pháp đã thức tỉnh lòng yêu nước của tầng lớp trí thức, trong đó có học sinh trường Bưởi. Tháng 9/1940, một tổ chức yêu nước bí mật của học sinh trường Bưởi ra đời. Phải đến 4 năm sau, trước yêu cầu của cách mạng và dưới sự lãnh đạo của Đảng, tháng 8/1944, tại số 46 Bát Đàn, Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong Thành Hoàng Diệu được thành lập với khoảng 60 thành viên hoạt động công khai, tuyên truyền về tổ chức Việt Minh ở các chợ, trường học, rạp chiếu bóng, xí nghiệp…Chính Ðội Thanh niên tuyên truyền xung phong Thành Hoàng Diệu và Ðội danh dự Việt Minh Hà Nội là tiền thân của lực lượng vũ trang Hà Nội.

“Thời kỳ bí mật từ năm 1941 cho đến năm 1945, thanh niên chúng tôi tìm sách để đọc, nói với nhau những điều mình biết, rỉ tai nhau, rồi tìm những tờ báo, các sách cách mạng được xuất bản hồi đó để chuyền tay nhau đọc. Trên cơ sở đó thì giác ngộ cho nhau”, ông Oanh nhớ lại.

Các cựu thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu chụp ảnh lưu niệm nhân ngày gặp mặt năm 2011.


Còn với ông Thái Hy, Trưởng ban Liên lạc thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu, ký ức sâu đậm nhất là ngày 17/8/1945. Đúng 8 giờ sáng hôm đó, tại Nhà hát Lớn, Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức lễ mít tinh ra mắt quốc dân nhằm “sơn phết” chính quyền bù nhìn. Ông Thái Hy là một trong 3 chiến sĩ dũng cảm của Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu nhận nhiệm vụ trực tiếp phải phá bằng được lễ mít tinh. Ông và các đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, biến buổi mít tinh thành đại hội của Việt Minh... Ông Hy kể lại thời khắc đáng nhớ ấy: “Lúc 2 người lên chiếm giữ micro, bà con ở đây đông đảo, yên lặng lắng nghe. Sau cuộc mít tinh, đoàn biểu tình với cờ to đi đầu, đi dọc đường Tràng Tiền, rẽ vào đường Đinh Tiên Hoàng, sau đó là Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Ngang, chợ Đồng Xuân, đường Quan Thánh, lên đường Điện Biên Phủ, đến ngã năm Cửa Nam lại chia ra làm nhiều nhánh khác, biểu tình. Cứ như thế cho tới 10 giờ đêm”.

“Ngày 17 là ngày đáng ghi nhớ nhất. Không ngờ rằng mình có thể lập một tổ đặc biệt để cướp phá diễn đàn. Sau này, chúng tôi mới biết được là nhờ phá được cuộc mít tinh ấy mới đủ điều kiện để khởi nghĩa”, ông Hy hãnh diện.

Rất nhiều bạn trẻ, về sau, cứ mỗi dịp kỷ niệm Giải phóng Thủ đô, khi gặp những cựu thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu lại thắc mắc rằng tại sao lớp thanh niên trẻ như thế mà vào cuộc kháng chiến, lại có được những chiến công, mà như đồng chí Lê Văn Lương nói “là không những rạng rỡ cho Hà Nội mà cho cả đất nước”? Ông Vũ Oanh trầm ngâm: “Lúc bấy giờ, thanh niên sống dưới chế độ nô lệ, rất khổ”. Nhưng, “sự nhiệt tâm và năng động sáng tạo của thanh niên thời bọn tôi rất mạnh mẽ”. “Thế cho nên, tuy chỉ là những chàng trai mười tám, mười chín, đôi mươi nhưng toàn là những cán bộ, nhất là cán bộ đoàn thanh niên, hoạt động rất hiệu quả, sáng tạo. Khi thấy có cơ hội cống hiến cho đất nước, giải phóng đất nước thì khí thế sục sôi”, ông Oanh nói.

Trong câu chuyện về một thời hào hùng, người cựu Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu luôn nhấn mạnh và khẳng định sự kịp thời, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhận định về thời cơ khởi nghĩa khi đó là một trong những nhân tố làm nên phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ Thủ đô. “Bác Hồ hết sức sáng suốt. Bác nhận định thời cơ ngàn năm có một để nhân dân ta nổi dậy giành chính quyền. Tất cả những điều đó hợp lòng dân nói chung và hợp với cả ý chí thanh niên khi đó”, ông Oanh nói.

Mỗi lời kể của người Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh Hà Nội năm xưa sáng lên niềm hãnh diện khi được là một trong những thanh niên trưởng thành trong những năm tháng lịch sử. Đó là những năm tháng tuổi trẻ Thủ đô hăng hái lao mình vào những hoạt động tiền khởi nghĩa và thúc đẩy phong trào Thanh niên Cứu quốc ngày một lớn mạnh.

Làm việc vô tư

“Ngày xưa, thanh niên bằng tuổi tôi, sống dưới chế độ bấy giờ là sôi nổi lắm”, bà Nguyễn Thị Nhung, nhà ở khu tập thể Thành Công, nay đã 86 tuổi, nhớ lại. Bà Nhung kể: “Tôi tham gia phong trào thanh niên cứu quốc từ những năm còn học phổ thông. Lúc đó, tầm khoảng 16 - 17 tuổi. Được giác ngộ cách mạng, tôi luôn đau đáu với những câu hỏi: Tại sao dân mình sống khổ như thế này? Tại sao mình lại bị ngoại quốc đè nén thế này? Tự nhiên thấy lòng yêu nước nổi lên”.

Rồi cô học trò tên Nhung khi đó, cũng như bao bạn học cùng lớp, cùng trường, lăn xả vào làm hết việc nọ đến việc kia. “Có cuộc mít tinh nào thì dán biểu ngữ, mít tinh, đứng lên diễn thuyết. Chúng tôi nhảy lên xe điện, trong lúc xe chạy thì tranh thủ nói một lúc cho bà con hiểu tình hình hiện nay như thế nào, kêu gọi bà con hành động. Nói xong rồi xuống ngay”- bà Nhung nói. Không những tham gia vào rải truyền đơn, công khai tuyên truyền về hoạt động của tổ chức Việt Minh, những người trẻ tuổi can trường ấy còn nấu và phát cháo cứu đói cho người dân.

Ông Lê Đức Vân, Ban liên lạc thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu (nguyên học sinh trường Bưởi) là một trong những thanh niên Thủ đô sớm giác ngộ cách mạng và hoạt động tích cực thời kỳ tiền khởi nghĩa nhớ lại: “Những đội viên tuyên truyền xung phong thời bấy giờ mưu trí, gan dạ, xuất hiện và hoạt động khắp nơi. Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong Thành Hoàng Diệu phối hợp với các cơ sở Đoàn Thanh niên cứu quốc tổ chức nhiều cuộc diễn thuyết, rải truyền đơn khiến kẻ địch hoang mang, lo sợ. Đặc biệt, Đoàn Thanh niên cứu quốc còn bí mật xuất bản báo "Hồn Nước" tuyên truyền, cổ động, vận động tổ chức thanh thiếu niên Hà Nội chuẩn bị khởi nghĩa, giành chính quyền... đóng góp to lớn cho cuộc Cách mạng tháng Tám thành công”.
“Lúc bấy giờ, bọn tôi không nghĩ đến mình nhiều. Pháp mà biết được thì nó bắt, nhưng chúng tôi ai cũng làm vô tư lắm, rất phấn khởi”- bà Nguyễn Thị Nhung nói.

Nhìn lại một thời oanh liệt của Đội Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu, ông Thái Hy nói: “Thời kỳ hoạt động cách mạng Việt Minh, chúng tôi quyết thực hiện bằng được mấy khẩu hiệu. Trước ngày Nhật đảo chính, khẩu hiệu là “Đánh đuổi Nhật Pháp”. Sau khi Nhật đảo chính, chúng tôi thực hiện khẩu hiệu “Đánh Nhật cứu nước, ủng hộ Việt Minh, giành độc lập”. Sau khi cách mạng thắng lợi rồi, toàn thể anh chị em thanh niên cứu quốc chúng tôi đều tỏa ra khắp đất nước và thực hiện công việc trong tất cả các ngành quân dân chính đảng.

Niềm tin vào thế hệ trẻ

Tự hào về một thời quá khứ sôi nổi khi xưa, các cựu thanh niên cứu quốc đặt kỳ vọng lớn lao vào thế hệ trẻ Thủ đô. Ông Vũ Oanh cho rằng: “Bác Hồ nói: Tương lai đất nước có sánh vai được các cường quốc năm châu hay không, là do công lao học tập của các cháu. Bác đã nói rõ thế rồi. Thế nên bây giờ, trong cuộc chiến đấu để sánh vai cùng các nước tiên tiến năm châu, thế hệ trẻ phải giữ vững được vị trí này”.

“Sánh vai với các nước tiên tiến là cả một nhiệm vụ lịch sử lớn lắm. Nhưng mà tôi rất tin vào truyền thống dân tộc Việt Nam chúng ta “con hơn cha là nhà có phúc”, thế hệ thanh niên bây giờ phải giỏi giang hơn thế hệ chúng tôi”, ông Vũ Oanh tin tưởng.

Hỏi các cựu nam nữ thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu năm xưa mong muốn gì ở thế hệ trẻ ngày nay, ông Thái Hy đáp: “Chúng tôi đã có một bức trướng tặng Thành đoàn, ghi: “Thế hệ thanh niên thời Cách mạng tháng Tám đức tài trí dũng cao/ Thế hệ thanh niên thời đổi mới càng phải cao hơn”. Đó là sự tin tưởng của chúng tôi. Đó cũng là yêu cầu của chúng tôi”.

Bài và ảnh:Mạnh Minh

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN