Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh, Đối thoại Chính sách Quốc phòng là cơ chế trao đổi cấp chiến lược; là dịp để Bộ Quốc phòng hai nước cùng đánh giá lại kết quả hợp tác từ Đối thoại Chính sách Quốc phòng lần thứ 4, thống nhất định hướng hợp tác thời gian tới, nhất là trong bối cảnh quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Anh được lãnh đạo hai nước quan tâm thúc đẩy; trong đó, hợp tác quốc phòng tiếp tục là thành tố quan trọng trong tổng thể quan hệ hai nước.
Khẳng định thời gian qua, quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam - Anh được triển khai đúng hướng, phù hợp kết quả Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam - Anh lần thứ 4 và Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương (ký năm 2017), Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cho rằng, hai bên đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, nổi bật là các lĩnh vực: trao đổi đoàn các cấp; duy trì hiệu quả các cơ chế hợp tác, nhất là cơ chế Đối thoại Chính sách Quốc phòng thường niên; an ninh, an toàn hàng hải; thủy đạc… Đáng chú ý, hợp tác đào tạo, nhất là đào tạo về ngôn ngữ là một điểm sáng trong hợp tác quốc phòng giữa hai nước thời gian qua.
Nhân dịp này, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến trân trọng cảm ơn Bộ Quốc phòng Anh hằng năm đã dành các suất đào tạo, hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng tiếng Anh, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ, sĩ quan Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực của Vương quốc Anh trong hợp tác về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến đề nghị, trong thời gian tới hai bên tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng phù hợp với quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước; duy trì hiệu quả các cơ chế tham vấn, đối thoại cũng như trao đổi đoàn các cấp, nhất là đoàn cấp cao nhằm tăng cường hiểu biết, tin cậy và thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng; tăng cường hợp tác đào tạo, thúc đẩy hợp tác giữa các học viện, nhà trường quân đội hai nước.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến mong muốn Bộ Quốc phòng Anh tiếp tục cung cấp các khóa đào tạo, tập huấn chuyên ngành; cử giảng viên ngôn ngữ Anh sang trực tiếp giảng dạy tại Học viện Khoa học Quân sự; khẳng định Bộ Quốc phòng Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận quân nhân Anh sang học tiếng Việt tại Học viện Khoa học quân sự và tham dự Khóa quan chức quốc phòng quốc tế tại Học viện Quốc phòng.
Ngoài ra, hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả hợp tác phòng, chống mua bán người; quân y; an ninh, an toàn hàng hải; thủy đạc; công nghiệp quốc phòng; gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; nghiên cứu, thúc đẩy khả năng hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, hợp tác giữa các viện nghiên cứu về quốc phòng giữa hai bên…
Trao đổi tại Đối thoại, Quốc vụ khanh Quốc phòng Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland Vernon Coaker chia sẻ trước những mất mát và thiệt hại do bão số 3 gây ra đối với Việt Nam. Ông Vernon Coaker cho rằng, không chỉ có quan hệ quốc phòng mà hợp tác trên các lĩnh vực khác đã được hai bên triển khai rất tích cực và đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Khẳng định ý nghĩa quan trọng của hợp tác quốc phòng, ông Vernon Coaker mong muốn quan hệ trên lĩnh vực này giữa Vương quốc Anh và Việt Nam sẽ tiếp tục được tăng cường nhằm mang lại lợi ích nhiều hơn nữa cho hai nước.
Ông Vernon Coaker nhấn mạnh, trong thời gian tới, Vương quốc Anh sẽ nỗ lực thúc đẩy, chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các cơ quan của Bộ Quốc phòng Việt Nam triển khai đầy đủ kết quả của Đối thoại lần này, phù hợp với quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.
Tại Đối thoại, hai bên cũng trao đổi về tình hình thế giới, khu vực và những vấn đề cùng quan tâm. Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, chính sách Quốc phòng hòa bình và tự vệ; kiên định chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Việt Nam luôn đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982); Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, đảm bảo lợi ích hợp pháp của tất cả các bên liên quan.