Bộ trưởng đã cùng những người đồng cấp ASEAN và các đối tác EAS bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nga và Mỹ kiểm điểm và định hướng hợp tác EAS, trao đổi tình hình khu vực và quốc tế.
Các nước khẳng định tính chất đặc biệt của EAS, diễn đàn do ASEAN thành lập để lãnh đạo các nước trong khu vực trao đổi những vấn đề chiến lược, tạo tiền đề cho hợp tác khu vực vượt qua bất ổn và phức tạp, vì hòa bình, an ninh, thịnh vượng chung khu vực.
Các bộ trưởng cho rằng triển khai quyết định của Hội nghị EAS-16 tháng 11/2021, các nước cần phải vừa đẩy mạnh phục hồi, phát triển bền vững vừa tiếp tục nâng cao năng lực y tế, tự cường trước các tình huống dịch bệnh bùng phát trong tương lai. Mở lại đường biên, nối lại giao thương, khuyến khích đầu tư, nâng cao liên kết là nhiệm vụ chủ yếu của các nước hiện nay. Bên cạnh đó, các bộ trưởng nhất trí sẽ thúc đẩy hợp tác đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và bền vững.
Chia sẻ quan ngại về những diễn biến phức tạp đang nổi lên như Biển Đông, Myanmar, Bán đảo Triều Tiên, Ukraine, Eo biển Đài Loan…, các nước khẳng định giá trị chiến lược của EAS chính là tạo môi trường thuận lợi cho đối thoại thẳng thắn, tham vấn chặt chẽ, hợp tác chân thành vì một khu vực hoà bình, ổn định và phát triển bền vững.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại, lòng tin và trách nhiệm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về các vấn đề trong tình hình quốc tế hiện nay.
Bộ trưởng kêu gọi các nước đóng góp xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình và ổn định, an toàn và an ninh, rộng mở và tự do. Mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng các biện pháp hoà bình dựa trên luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Việt Nam cam kết cùng các nước ASEAN và Trung Quốc thực hiện nghiêm túc đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), nỗ lực sớm đạt Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Trước những diễn biến vừa qua trong khu vực, Bộ trưởng nhắc lại lập trường của ASEAN và Việt Nam, ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc” và kêu gọi các bên kiềm chế, tránh làm phức tạp tình hình, giải quyết bất đồng, tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ và Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC).
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết ASEAN sẽ duy trì can dự với Myanmar, Đặc phái viên của Chủ tịch nỗ lực tiếp cận, hỗ trợ thực hiện đầy đủ Đồng thuận 5 điểm của Lãnh đạo ASEAN.
Trong cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Sri Lanka M.U.M. Ali Sabry, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao quan hệ hữu nghị truyền thống, đề nghị hai bên duy trì tiếp xúc, tăng cường tham vấn và triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, sớm tổ chức họp Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế, Khoa học và Kỹ thuật lần thứ 4.
Bộ trưởng Ngoại giao Sri Lanka bày tỏ khâm phục thành tựu phát triển của Việt Nam, nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai bên lên mức 500 triệu USD/năm, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tổ chức hoạt động thương mại thông qua hệ thống cảng biển Sri Lanka. Hai bên nhất trí thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác khác như du lịch, nông nghiệp, giáo dục và giao lưu nhân dân.
Hai Bộ trưởng cũng trao đổi phương hướng hỗ trợ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế, nhất là LHQ.
Chiều 5/8, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sẽ dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 29 và gặp gỡ một số đối tác.