Trên cơ sở nhất trí cần tập trung tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân, kể cả doanh nghiệp lớn phát triển, trong đó có sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp lớn để tạo thành chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng, chứ không nên cắt khúc hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại biểu Bình phân tích: Để góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Chính phủ đã có Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, trong đó có cả các doanh nghiệp quy mô lớn, nguồn lực mạnh, hằng năm có khoảng 30-35% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo. Do vậy, cùng với việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nâng cao quy mô, năng lực cạnh tranh, cũng cần quan tâm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để có thể tăng mạnh số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, hoạt động kinh doanh hiệu quả.
Thống kê cho thấy, có tới 77% doanh nghiệp siêu nhỏ và 69% doanh nghiệp nhỏ đi lên từ mô hình các hộ kinh doanh. Hiện nay, cả nước có khoảng 3,4 triệu hộ kinh doanh. Do vậy, việc xây dựng và luật hóa các nội dung phù hợp để tạo điều kiện, khuyến khích mạnh mẽ các hộ kinh doanh này phát triển, đăng ký thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, có ý nghĩa quan trọng phát triển doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Đại biểu Bình thấy rằng nếu đặt vấn đề hỗ trợ tất cả doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ và cả các hộ kinh doanh thì sẽ không khả thi vì đối tượng hỗ trợ sẽ rất lớn, trong khi nguồn lực Nhà nước có hạn. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xây dựng Luật hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp với các quy định khuyến khích thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; hỗ trợ nhóm doanh nghiệp (không chỉ là doanh nghiệp nhỏ và vừa) có hoạt động đổi mới sáng tạo, có tiềm năng phát triển, nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Còn ý kiến khác nhau về tên gọi dự thảo Luật
Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) đề nghị ban soạn thảo cân nhắc sửa tên dự thảo Luật thành "Luật hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa". Đại biểu phân tích: Trong tên dự thảo Luật, từ "hỗ trợ" mới chỉ ra biện pháp, cách thức là yếu tố cần nhưng chưa đủ, chưa phản ánh được ý nghĩa chiến lược vì mục tiêu phát triển vững chắc của khu vực doanh nghiệp này, cũng chưa phản ánh được mối quan hệ lợi ích tác động qua lại giữa sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa với tăng trưởng kinh tế.
Vì vậy, theo đại biểu cần thêm từ "phát triển" để chỉ ra mục tiêu, động lực, "làm luật để hướng đến mục tiêu phát triển đạt tới 1 triệu doanh nghiệp thực sự hoạt động vào năm 2020. Mặt khác, trong các văn kiện Đại hội Đảng XII cũng như Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị khi đề cập đến vấn đề này đều nhất quán sử dụng cụm từ "hỗ trợ phát triển" và nhấn mạnh yếu tố "phát triển" trong các thông điệp như "Tăng cường trợ giúp để phát triển mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa", "phát triển mạnh kinh tế tư nhân".
Tuy nhiên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đã tranh luận lại với quan điểm này. Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: "Tại điểm c khoản 2 Điều 20 đã ghi rất rõ là góp phần hỗ trợ toàn diện doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển". Đại biểu nhấn mạnh "không phải là phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa mà chúng ta lầm lẫn là phát triển về số lượng, luật này là phát triển toàn diện, hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa". Nêu quan điểm không cần thiết đổi tên dự thảo Luật, đại biểu phân tích theo những thông tin gần đây, doanh nghiệp nhỏ và vừa không cần hỗ trợ nhiều về vốn, mà cơ bản là về thủ tục, Nhà nước cần tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư, thu hút dòng vốn xã hội vào đối tượng này - đại biểu nêu quan điểm.
Giải trình làm rõ hơn về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết các nước trên thế giới đều dùng tên gọi như dự thảo Luật, trong doanh nghiệp nhỏ và vừa đã bao hàm cả doanh nghiệp siêu nhỏ. Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu vấn đề này, làm rõ khái niệm theo hướng doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm cả doanh nghiệp siêu nhỏ theo 3 cấp độ, vì ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước còn có có sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Các tổ chức, cá nhân lại có sự quan tâm khác nhau, lĩnh vực khác nhau, địa bàn khác nhau... nên càng phân loại rõ ràng, càng dễ cho các tổ chức ,cá nhân trong việc tiếp cận - Bộ trưởng nêu.
Xác định rõ tiêu chí
Nêu quan điểm về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại biểu Đỗ Văn Bình cơ bản nhất trí với ý kiến thứ nhất đã nêu trong Báo cáo của Ủy ban Kinh tế về việc sử dụng tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa là căn cứ tổng nguồn vốn và lao động bình quân. Tuy nhiên, để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa chính xác, khách quan, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xác định tiêu chí ưu tiên trong hai tiêu chí trên.
Đại biểu Bình đề nghị xem xét kết hợp với tiêu chí tổng doanh thu khi tiêu chí ưu tiên chưa đạt. Thực tế có doanh nghiệp khoa học công nghệ số lao động không lớn, nhưng tổng doanh thu không nhỏ. Việc quy định loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ để có chính sách hỗ trợ, có tác dụng tích cực trong việc khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngoài tiêu chí về số lao động bình quân, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung tiêu chí về tổng nguồn vốn và có thể cả tiêu chí về tổng doanh thu vì nếu chỉ quy định tiêu chí về lao động dưới 10 người thì cũng giống như đối với hộ kinh doanh, trong khi hộ kinh doanh lại không được hỗ trợ.
Đại biểu Trần Thị Hiền tán thành việc sử dụng tiêu chí tổng nguồn vốn và số lao động để phân loại quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, tiêu chí về số lao động cần được quy định rõ gắn với tiêu chí tham gia bảo hiểm xã hội, làm cơ sở để kiểm soát và đối xử công bằng, đồng thời cũng là biện pháp tích cực để thúc đẩy mở rộng diện bao phủ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đây là ý nghĩa xã hội quan trọng của việc sử dụng tiêu chí này, đại biểu nêu.
Nhận xét chưa từng có tiền lệ lập pháp bằng biểu bảng như khoản 1 Điều 4, đại biểu Hiền đề nghị cần bảo đảm quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong việc diễn giải và quy định minh bạch về tiêu chí xác định từng loại quy mô doanh nghiệp bằng ngôn ngữ viết, để áp dụng pháp luật chính xác, dễ viện dẫn. Vì không thể hiện bằng ngôn ngữ viết nên không minh bạch được việc phải đáp ứng cùng lúc 2 tiêu chí, hay tiêu chí nào có tính ưu tiên hơn, không rõ các tiêu chí này xác định theo hằng năm hay theo bình quân giai đoạn. Đại biểu nêu: "dự thảo Luật xác định doanh nghiệp theo 3 quy mô, phân biệt rõ giữa "nhỏ" và "siêu nhỏ" nhưng hoàn toàn thiếu vắng các quy định thể hiện rõ từng dòng hoạt động hỗ trợ gắn với từng quy mô doanh nghiệp. Thậm chí, Điều 6 dự thảo quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong tiếp cận hỗ trợ còn bỏ quên đối tượng doanh nghiệp siêu nhỏ. Đây là điểm yếu nhất, mờ nhất trong ý tưởng lập pháp của dự thảo Luật.