Cuộc đời 64 năm hoạt động vẻ vang với những “công trạng to lớn vì Đảng, vì Dân”(1) của đồng chí luôn là tấm gương sáng ngời về lòng trung thành, tận tụy với Tổ quốc, với Đảng, với Nhân dân, tinh thần cách mạng dũng cảm, kiên cường, bất khuất, đức tính cần, kiệm, liêm, chính và tình thương yêu đồng chí sâu sắc.
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Lê Đức Thọ (10/10/1911 - 10/10/2021), đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã có bài viết: "Đồng chí Lê Đức Thọ - Nhà lãnh đạo tài năng của cách mạng Việt Nam, kiến trúc sư của Ngành Tổ chức xây dựng Đảng".
Nhà lãnh đạo cách mạng tài năng, người đặt nền móng cho công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho tại Mỹ Lộc, Nam Định - miền quê giàu truyền thống cách mạng và hiếu học, đồng chí Lê Đức Thọ, tên thật là Phan Đình Khải đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào học sinh yêu nước khi mới 15 tuổi, được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng khi 18 tuổi, làm Bí thư Chi bộ học sinh và phụ trách công tác thanh niên học sinh. Với tài năng, phẩm chất nổi bật, người chiến sĩ cộng sản Lê Đức Thọ đã sớm trở thành một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, có nhiều cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng, người đặt nền móng cho công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và luôn gắn công tác xây dựng Đảng với việc thực hiện mục tiêu chiến lược của cách mạng trong từng thời kỳ lịch sử.
Suốt những năm tháng dấn thân hoạt động kiên cường, sôi nổi, dù công khai hay bí mật, ngay cả khi ở trong lao tù, đồng chí luôn quan tâm gây dựng tổ chức cơ sở Đảng gắn với nâng cao chất lượng đảng viên, coi đây là hạt nhân chính trị ở cơ sở. Trong 6 năm bị lưu đày khổ sai ở Côn Đảo (1930-1936), với vai trò là Bí thư Chi bộ, Thường vụ Chi ủy nhà tù, đồng chí đã góp phần biến Chi bộ nhà tù thành trường học để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tôi luyện ý chí cách mạng, chuẩn bị lực lượng cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng. Những năm 1936-1939, đồng chí là một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt phong trào cách mạng ở Nam Định, được giao phụ trách công tác báo chí công khai của Đảng bộ, tích cực gây dựng một số cơ sở bí mật của Đảng, cùng tập thể cấp ủy Nam Định lãnh đạo phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ của nhân dân. Trong 5 năm (1939-1944) bị giam cầm khắc nghiệt trong lao tù từ Hỏa Lò (Hà Nội) đến Sơn La, Hòa Bình, cuối năm 1943, với vai trò Bí thư Chi bộ nhà tù Hòa Bình, đồng chí đã lãnh đạo thực hiện thành công chủ trương của Thường vụ Trung ương Đảng tổ chức vượt ngục cho nhiều cán bộ đang bị giam cầm trong các nhà tù đế quốc để tăng cường cán bộ cho phong trào cách mạng, củng cố các cấp ủy đảng(2). Khi ra tù, tháng 9-1944, đồng chí được giao phụ trách công tác tổ chức, huấn luyện cán bộ và công tác bảo đảm bí mật cho An toàn khu của Trung ương. Tháng 10-1944, đồng chí được chỉ định là Ủy viên Trung ương Đảng, trực tiếp phụ trách Xứ ủy Bắc kỳ, góp phần chuẩn bị điều kiện để mùa thu lịch sử năm 1945 Đảng ta lãnh đạo toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do của dân tộc. Sau Cách mạng Tháng Tám, được phân công phụ trách công tác tổ chức của Đảng, đồng chí cùng với một số đồng chí lãnh đạo đã giúp Trung ương bố trí, phát triển tổ chức đảng, đoàn thể, xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, kịp thời chuẩn bị cho đất nước bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược.
Năm 1948, đồng chí tham gia Đoàn đại biểu của Đảng và Chính phủ vào miền Nam công tác, được phân công là Trưởng ban Đảng vụ kiêm Trưởng ban Dân vận Xứ ủy Nam Bộ, năm 1949 làm Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí đã dành nhiều tâm huyết trong việc xây dựng hệ thống tổ chức đảng từ Xứ ủy, Trung ương Cục miền Nam đến chi bộ cơ sở, xây dựng các cơ quan chuyên môn của Đảng bộ Nam Bộ. Với quan điểm “Phải xây dựng, củng cố Đảng trong lực lượng vũ trang, trong công an, trong vùng bị địch tạm chiếm, phát triển Đảng phải luôn luôn đi đôi với củng cố Đảng, phải dìu dắt đảng viên mới trong công tác thực tế, phải mở lớp huấn luyện ngắn ngày cho họ. Phải luôn luôn chăm lo củng cố chi bộ, đề phòng bọn địch chui vào trong Đảng, phá hoại Đảng từ bên trong”(3), đồng chí cùng Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ rà soát đội ngũ cán bộ các khu ủy, tỉnh ủy, Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, nắm tình hình xây dựng, củng cố tổ chức đảng; đồng thời, đề xuất một số biện pháp khẩn cấp để chấn chỉnh, kiện toàn ngay lập tức một số cấp ủy đảng vì xác định cấp ủy đảng chính là đầu não của phong trào cách mạng.
Năm 1955, đồng chí tập kết ra Bắc, được bổ sung vào Bộ Chính trị phụ trách công tác sửa sai cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Cuối năm 1956, đồng chí được giao nhiệm vụ Trưởng ban Tổ chức Trung ương trong bối cảnh tổ chức đảng gặp nhiều khó khăn, nhiều cơ sở đảng ở nông thôn bị nghi ngờ, nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp bị bắt, bị tù đày, nghi oan... Thực hiện chủ trương kiên quyết sửa sai của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã chỉ đạo Ban Tổ chức Trung ương cử cán bộ của Trung ương về địa phương, xuống cơ sở để xin lỗi nhân dân và minh oan cho cán bộ, đảng viên; qua đó từng bước củng cố lại tổ chức cơ sở Đảng, khôi phục được lòng tin của Nhân dân đối với Đảng.
Năm 1963, Đảng phát động cuộc vận động xây dựng chi bộ và đảng bộ cơ sở “Bốn tốt”. Trên cương vị Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng từ việc tham gia xây dựng nội dung đến việc chỉ đạo tổ chức thực hiện cuộc vận động, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Thay mặt Ban Bí thư, đồng chí đã ký Nghị quyết số 122-NQ/TW ngày 6-7-1965 của Ban Bí thư về “Tăng cường lãnh đạo, đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng chi bộ và đảng bộ cơ sở Bốn tốt”. Đây là văn kiện đặt cơ sở lý luận, quan điểm chỉ đạo và các nội dung cơ bản cho việc đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng chi bộ, đảng bộ cơ sở “Bốn tốt”. Thông qua cuộc vận động, nhiều cấp ủy đảng đã khắc phục việc xem nhẹ công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của tổ chức cơ sở Đảng, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện đối với mọi hoạt động ở cơ sở. Ðó là một kinh nghiệm quý còn nguyên ý nghĩa trong chỉ đạo thực tiễn cho đến hôm nay.
(Còn nữa)
-----------------------------
(1) “Đại hội VI tuyên dương công trạng to lớn vì Đảng, vì dân của các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ” (Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng (Hồi ký), NXB CTQG-ST, H.2011, tr.11).
(2), (3) Tô Huy Rứa: “Về những đóng góp của đồng chí Lê Đức Thọ trong công tác tổ chức xây dựng Đảng” (Lê Đức Thọ - Người cộng sản..., sách đã dẫn (sđd), tr.284, tr.285.