Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (6/9/1902 - 6/9/2012), ngày 4/9, tại Nghệ An, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Nghệ An đã tổ chức hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Hồng Phong với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An”.
Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã dự hội thảo.
Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Đồng chí Lê Hồng Phong sinh ra và lớn lên trên quê hương Nghệ An giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nơi sinh thành và nuôi dưỡng nhiều danh nhân, nhiều bậc hiền tài của đất nước. Được nuôi dưỡng và giáo dục bởi truyền thống của quê hương, tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ của nhân dân dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến, các phong trào đấu tranh yêu nước bị đàn áp tàn bạo, đồng chí Lê Hồng Phong sớm hình thành tư tưởng yêu nước và cách mạng. Sau khi học hết bậc sơ học yếu lược, đồng chí Lê Hồng Phong rời quê ra Vinh làm công nhân tại Nhà máy Diêm Bến Thủy. Tại đây, đồng chí đã trải qua thân phận người làm thuê, bị giới chủ khinh rẻ, bóc lột. Đồng chí Lê Hồng Phong đã vận động công nhân đứng lên đấu tranh và đã bị đuổi việc.
Sau khi cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh bị thực dân Pháp và tay sai dìm trong biển máu, Ban Chấp hành Trung ương, các Xứ ủy và hầu hết cơ sở của Đảng trong toàn quốc bị địch phá vỡ; nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương và Xứ ủy bị địch bắt hoặc bị sát hại. Hàng trăm cán bộ, hàng ngàn cán bộ bị bắt bớ, tù đày. Trong bối cảnh đó, tháng 5/1931, đồng chí Lê Hồng Phong đã nhận nhiệm vụ của Quốc tế cộng sản trở về nước để xây dựng lại phong trào cách mạng, bỏ dở chương trình học tập nghiên cứu sinh.
Đồng chí có công lao to lớn trong việc khôi phục, gây dựng lại hệ thống tổ chức, cơ sở của Đảng ta từ năm 1932 đến năm 1935, là thời kỳ vô cùng khó khăn của cách mạng Việt Nam. Ngày 22/6/1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn. Bọn mật thám dùng mọi thủ đoạn tra tấn, dụ dỗ, nhưng đồng chí đã kiên cường giữ vững khí tiết của người cộng sản. Không đủ chứng cứ để buộc tội, Tòa án của thực dân Pháp kết án đồng chí 6 tháng tù giam và 3 năm quản thúc. Sau khi hết hạn 6 tháng tù giam, chính quyền thực dân buộc đồng chí phải về quê nhà Nghệ An để chúng dễ bề theo dõi, quản thúc.
Tháng 1/1940, đồng chí bị mật thám Nam Kỳ ra Nghệ An bắt và đưa vào giam ở Khám Lớn - Sài Gòn. Biết đồng chí Lê Hồng Phong là cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, thực dân Pháp buộc đồng chí tội “hoạt động lật đổ” và kết án 5 năm tù giam, 10 năm quản thúc, đày ra Côn Đảo. Chúng chỉ thị cho bọn chúa đảo tìm mọi cách hãm hại đồng chí. Những trận đòn tàn ác, dã man của kẻ thù đã làm đồng chí Lê Hồng Phong kiệt sức, đồng chí ra đi vào ngày 6/9/1942. Tưởng nhớ, biết ơn công lao và những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc, càng thêm tự hào về truyền thống vẻ vang của Đảng quang vinh, dân tộc anh hùng; chúng ta nguyện học tập, noi gương đạo đức cách mạng sáng ngời, ý chí kiên cường, tinh thần chiến đấu hy sinh của đồng chí Lê Hồng Phong vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân, vì lý tưởng cộng sản; vững bước tiến lên trên con đường cách mạng; quyết tâm phấn đấu xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Hội thảo cũng đã nghe nhiều ý kiến phát biểu, tham luận của các đại biểu, các nhà khoa học, các đồng chí lão thành cách mạng đến từ Trung ương và địa phương làm rõ thêm một số nội dung, vấn đề về cuộc đời, sự nghiệp đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Các ý kiến thêm một lần nữa khẳng định cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú của đồng chí Lê Hồng Phong đã hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, dân tộc. Cuộc đời đồng chí là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, tình yêu quê hương đất nước, sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu lý tưởng của Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân; luôn lạc quan tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng. Đồng chí là một nhà hoạt động quốc tế nhiệt thành, có đóng góp quan trọng cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Tin, ảnh: Nguyễn Văn Nhật