Đồng chí Trần Phú sinh ngày 01/05/1904 tại thôn An Thổ, xã Dân An huyện Tuy An (Phú Yên); nguyên quán xã Việt Yên, nay là xã Tùng Ảnh huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi mới lên 6 tuổi, được sự giúp đỡ của bà con họ hàng, năm 1918, Trần Phú học xong bậc Tiểu học tại Trường Pháp –Việt Đông Ba, sau đó tiếp tục theo học Trường Quốc học Huế. Năm 1922, Trần Phú làm giáo viên Trường Tiểu học Cao Xuân Dục, Vinh (Nghệ An). Năm 1925, đồng chí Trần Phú tham gia vào tổ chức yêu nước cấp tiến và từ đó tham gia vào hoạt động cách mạng. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10/1930, Luận cương chính trị được thông qua và đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Cuộc đời cách mạng của đồng chí Trần Phú tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại một tấm gương sáng chói về chí khí cách mạng và tinh thần kiên trung, bất khuất của người cộng sản. Đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp xuất sắc về lý luận đối với cách mạng Việt Nam, trong đó Luận cương chính trị là văn kiện của Đảng, đã vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lê Nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, những luận điểm cơ bản trong chính cương vắn tắt và sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng.
Đồng chí Trần Phú đưa ra các quan điểm mới về xây dựng tổ chức đoàn thể quần chúng và phương pháp vận động công nhân (công vận). Đồng chí Trần Phú cho rằng, trong công tác công vận, cần phải có quan niệm đúng, phải nắm thợ "áo xanh”, trong khẩu hiệu đấu tranh, phải biết hướng dẫn tổ chức tập hợp giữa đấu tranh kinh tế với đấu tranh chính trị.
Trong sự nghiệp cách mạng của mình, đồng chí Trần Phú có những đóng góp vào việc xây dựng các tổ chức đoàn thể cách mạng, đó là tổ chức Thanh niên Cộng sản thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương và các văn kiện xây dựng các tổ chức quần chúng Mặt trận dân tộc, Nông hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cứu tế đỏ... Những văn kiện và các tổ chức do Trần Phú và Trung ương dự thảo, thành lập ra đáp ứng đòi hỏi phong trào cách mạng, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng.
Đồng chí Trần Phú đã nêu cao tấm gương sáng ngời về lòng kiên trung, tinh thần bất khuất của người đảng viên cộng sản trước kẻ thù, lời nhắn nhủ cuối cùng của Trần Phú trước lúc hy sinh “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.
Tại Hội thảo, các tham luận đã nhấn mạnh vai trò của đồng chí Trần Phú trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Đó là sự cống hiến về lý luận, về đường lối cách mạng thông các cương lĩnh, văn kiện. Noi gương đồng chí Trần Phú và các tiền liệt cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh phát huy truyền thống quê hương vượt qua khó khăn, vươn lên giành nhiều thắng lợi góp phần vào thắng lợi chung của cả nước.
Đồng chí Trần Phú là tấm gương sáng ngời về ý chí, nghị lực của người đảng viên cộng sản, nhà lý luận sâu sắc của Đảng. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú trở thành biểu tượng cao đẹp, mãi mãi được cán bộ đảng viên và nhân dân ta tin yêu, kính phục.