Trong cuộc hội đàm, hai bộ trưởng thông tin cho nhau về công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách tư pháp ở mỗi nước. Nhắc lại Bản Ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tư pháp CHXHCN Việt Nam và Bộ Tư pháp Vương quốc Thái Lan ký năm 2015 cũng như các Kế hoạch hợp tác giữa hai Bộ trong những năm gần đây, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng tiềm năng hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp còn rất lớn và cần phải được đẩy mạnh hơn nữa nhằm góp phần thúc đẩy hợp tác song phương nói riêng, hợp tác trong khu vực ASEAN nói chung.
Bên cạnh đó, hai bộ trưởng thống nhất đưa ra một số định hướng lớn nhằm tăng cường hợp tác giữa hai bộ tư pháp trong thời gian tới bao gồm các vấn đề về hoàn thiện pháp luật hình sự, tư pháp vị thành niên cũng như trong thi hành án dân sự, trong đó có cơ chế hợp tác đa phương trong ASEAN. Bên cạnh đó, hai bên cũng nhất trí tăng cường phối hợp trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp, đào tạo luật và các chức danh tư pháp. Một vấn đề khác mà hai bộ trưởng quan tâm phối hợp thúc đẩy là công tác chuyển đổi số trong ngành tư pháp và giải quyết tranh chấp ở cơ sở (bao gồm cả hòa giải cơ sở) cũng như giải quyết tranh chấp thay thế Tòa án (trọng tài, hòa giải thương mại...). Hai bộ trưởng cũng thống nhất cần tiếp tục xây dựng chương trình hợp tác giữa hai bộ trong các năm tiếp theo nhằm triển khai có hiệu quả thực chất MOU đã ký năm 2015, trong đó lưu ý vấn đề trao đổi chuyên gia nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.
Trước đó, vào chiều ngày 16/11, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long và Tổng Thư ký Văn phòng Tư pháp Thái Lan Teerasak Ngeyvijit đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Thái Lan dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. Hiệp định gồm 7 chương, 29 điều, quy định về các vấn đề hợp tác giữa các cơ quan có thẩm quyền của hai quốc gia về các nội dung: Tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp; Thu thập và cung cấp chứng cứ; Triệu tập người làm chứng và người giám định; Công nhận và cho thi hành bản án của tòa án, phán quyết của Trọng tài được quy định tại Chương V của Hiệp định này; Trao đổi thông tin và tài liệu pháp luật về dân sự và tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự; Chuyển giao giấy tờ hộ tịch; Các yêu cầu tương trợ tư pháp khác phù hợp với quy định pháp luật các bên.
Hiệp định sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng góp phần bảo đảm cho công dân của mỗi bên được hưởng trên lãnh thổ của bên kia sự bảo hộ pháp lý đối với các quyền nhân thân và tài sản như công dân của bên kia. Mục đích cuối cùng của hiệp định này không có gì khác ngoài việc đảm bảo lợi ích của công dân, pháp nhân mỗi nước trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Thuật ngữ “dân sự” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả các vấn đề về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động.
Trong bối cảnh các nước ASEAN đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự, nhất là việc Việt Nam đang chủ trì Sáng kiến tăng cường tương trợ tư pháp về dân sự, thương mại trong cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp ASEAN, thì việc ký Hiệp định này càng có ý nghĩa thực tiễn cả ở tầm khu vực và quốc tế.