Hãng tin ANI ngày 2/8 (theo giờ địa phương) đăng tải bài viết nhận định thực tế địa chính trị hiện nay đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Ấn Độ và Việt Nam, hai nước cần nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện trên mọi lĩnh vực. Trong chuyến thăm, Thủ tướng Narendra Modi và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ra tuyên bố chung ghi nhận sự “đồng nhất” trong quan điểm về thế giới, đồng thời bày tỏ lập trường ủng hộ khu vực Nam Bán cầu có tiếng nói và vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế. Trên cơ sở quan hệ song phương tốt đẹp hiện có giữa Việt Nam và Ấn Độ, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí duy trì trao đổi thường xuyên ở các cấp.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Modi đã đánh giá cao các cơ chế đa phương giữa hai nước trong những lĩnh vực như chính sách đối ngoại, an ninh và hàng hải, hợp tác quốc phòng, trao đổi nghị viện, thương mại và đầu tư, nông nghiệp, y tế, hàng không dân dụng, công nghệ thông tin và truyền thông, khoa học và công nghệ (bao gồm công nghệ vũ trụ và hạt nhân), du lịch và văn hóa. Ngoài ra, là hai nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, các nhà lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường hợp tác ở cấp chính phủ và doanh nghiệp để tăng cường quan hệ đối tác thương mại, đầu tư và công nghệ hai chiều.
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí nâng cao hơn nữa kim ngạch thương mại song phương từ mức hiện tại là khoảng 15 tỷ USD lên 20 tỷ USD. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, hai bên cũng nhất trí về sự cần thiết phải hợp tác chặt chẽ hơn trong việc dỡ bỏ các rào cản thương mại nhằm tạo điều kiện thuận lợi và tăng cường thương mại song phương. Tuyên bố chung nêu rõ quá trình rà soát Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ đang diễn ra sẽ tạo ra một cơ chế thân thiện hơn, đơn giản hơn và thuận lợi hơn cho cả hai nước.
Các nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục nỗ lực thúc đẩy dòng vốn đầu tư giữa hai nước. Việt Nam hoan nghênh đầu tư từ Ấn Độ vào cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ sạch, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ và sản xuất, dệt may, công nghiệp ô tô và vật liệu, nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, chất bán dẫn, năng lượng tái tạo và các dự án bảo tồn năng lượng, sản xuất điện, khí sinh học và vải polyester, cùng nhiều dự án khác ở Việt Nam.
Cùng ngày, trang tin Hindustantimes đánh giá chuyến thăm cấp Nhà nước của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Ấn Độ tạo động lực mới cho quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới như kinh tế số và năng lượng tái tạo. Ngoài ra, hai bên cũng vạch ra các định hướng để làm sâu sắc hơn quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực, phù hợp với lợi ích của cả hai nước trong bối cảnh có những thay đổi địa chính trị và kinh tế phức tạp trong khu vực và trên thế giới. Hai bên cũng khẳng định chuyến thăm là cơ hội để Việt Nam và Ấn Độ tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề khu vực, quốc tế và tại các diễn đàn đa phương, đồng thời góp phần vào công cuộc thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Một số tờ báo uy tín khác của Ấn Độ bình luận hợp tác quốc phòng là trụ cột trong mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ và ngày càng trở nên quan trọng hơn khi hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng dựa trên lợi ích chung và các ưu tiên của hai nước. Đường lối này sẽ góp phần tăng cường sự ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách phương Đông của Ấn Độ Jaideep Mazumdar, chuyến thăm cấp Nhà nước của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tới Ấn Độ sau 10 năm mang ý nghĩa hết sức quan trọng sau khi hai nước nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Chuyến thăm lần này là dịp để hai bên trao đổi, đánh giá về các vấn đề nội hàm trong mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, cũng như vạch ra định hướng của mối quan hệ này trong tương lai.
Thứ trưởng Mazumdar khẳng định Ấn Độ coi Việt Nam là trụ cột trong chính sách Hành động hướng Đông, là đối tác quan trọng trong Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và là một trong những đối tác quan trọng trong ASEAN. Việt Nam là quốc gia có mối liên hệ gần gũi, lâu đời cả về lịch sử và văn minh với Ấn Độ. Mối quan hệ giữa hai nước đang phát triển trên nhiều lĩnh vực, trong đó tiêu biểu như quốc phòng và an ninh, kinh tế, thương mại và đầu tư, giao lưu nhân dân… Ngoài ra, hai nước còn có chung tầm nhìn, định hướng phát triển: Việt Nam phấn đấu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á đến năm 2045; Ấn Độ khát vọng về một “Viksit Bharat” (Ấn Độ phát triển) vào năm 2047.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, Giáo sư Reena Marwah tại Đại học Delhi (Ấn Độ), đồng thời là Tổng Thư ký Hiệp hội học giả châu Á, đánh giá chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa rất lớn đối với quan hệ Việt Nam - Ấn Độ và cũng là cơ hội để hai bên củng cố quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ở mức độ cao, trong mọi lĩnh vực. Nhiều biên bản ghi nhớ đã được ký kết và đạt được sự hiểu biết tầm cao mới về chính sách phát triển lấy người dân làm trung tâm. Bên cạnh đó, hai nước còn nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương trong việc giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu, đại dịch... cũng như sẽ phối hợp nhằm khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải, hướng tới mục tiêu xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định, dựa trên luật pháp, trong bối cảnh an ninh khu vực đang có những diễn biến phức tạp.