Đừng để tiền chi phối tờ báo

Vấn đề kinh tế báo chí không mới mẻ đối với các cơ quan báo chí ở nước ta. Từ nhiều năm nay, các tờ báo, đài phát thanh, kênh truyền hình đã làm kinh tế. Tuy nhiên, nền kinh tế ở nước ta có những đặc thù, do đó mà hoạt động kinh tế báo chí cũng có những đặc thù. Làm sao để cân đối hài hòa giữa nhiệm vụ kinh tế và nhiệm vụ chính trị trong mỗi cơ quan báo chí, đó là vấn đề được đặt ra trong nền kinh tế thị trường. Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Phượng (ảnh), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN về vấn đề này.


- Xin ông cho biết TTXVN đã bắt đầu các hoạt động làm kinh tế từ khi nào?


- TTXVN đã bắt đầu tiến hành hạch toán kinh tế từ năm 1978. Đến năm 1983 thì cơ bản hoàn thành hạch toán kinh tế toàn phần, tức là trước ĐH VI của Đảng 3 năm. Bắt đầu từ việc in ảnh, TTXVN tiếp quản kĩ thuật in phóng ảnh màu tự động ở TP.HCM sau giải phóng. Từ đó mới bắt đầu có tiền, thêm nguồn thu (trước đó hoàn toàn Nhà nước bao cấp).



Lúc đó tình hình đất nước rất khó khăn. Nhà nước chỉ cấp giấy để in bản tin, số lượng hạn chế. Chúng tôi đề xuất làm xưởng giấy ở TP.HCM (chính ngôi nhà 19 Võ Văn Tần bây giờ), người thực hiện là ông Hai Luận, Chánh Văn phòng TTX Giải Phóng cùng một số anh em nữa. Chúng tôi làm giấy pơluya để đổi giấy in báo với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Vấn đề là có giấy nhưng phải có nhà in. Nhà in miền Bắc lúc đó rất kém. Ông Đào Tùng lúc đó là Tổng Biên tập TTXVN nói với tôi: Chúng ta phải làm nhà in to". Chúng tôi bèn mua lại 4 máy in của người Hoa, chính việc này mới thu hút được nhiều thợ giỏi. Chúng tôi đặt cả máy in ở gầm cầu thang ở nhà (số 155 Võ Thị Sáu), chặt cây xoài để làm mái tôn che cho máy in. Chúng tôi nắm được 2 người giỏi ở Sài Gòn về máy in và chế bản tin màu. In ở TTX là in đen trắng, còn những trang màu là in ở ngoài.


Sau đó chúng tôi sang Pari gặp Công đoàn ngành in và giấy của Pháp. Chúng tôi nói chuyện in của mình, kí thỏa thuận hữu nghị giữa Công đoàn ngành in Pháp với TTXVN về việc hỗ trợ máy in, kĩ thuật in, giấy và mực. Ba tháng sau, tàu Liên Xô qua Pháp chở máy về Sài Gòn. Lúc đầu là 2 máy, sau tất cả là 4 máy. Nhà in TP.HCM trở thành nhà in hiện đại. Công nhân công đoàn Pháp thu nhặt máy, sửa chữa lại, cùng với giấy và mực thừa mang sang cho mình.


Từ đó TTXVN có thu nhập từ ảnh, từ giấy và mở rộng nhà in. Lúc đó, cũng có ý kiến phản ánh với Trung ương rằng TTXVN lấy tiền đâu mà mua máy in. Lúc đó là gần Espana 1982, chúng tôi tính nếu xin phép để ra tờ Thể thao Bóng đá thì không ăn thua, thời gian đến nơi rồi. Tôi với ông Đào Tùng bàn với nhau: Dân mình mê bóng đá, nếu in tờ bóng đá này sẽ có nhiều người đọc và thế là quyết định làm. Trước khi làm, tôi bay ra Hà Nội, đến chào đồng chí Lê Duẩn, báo cáo với đồng chí về yêu cầu của nhân dân cần nhiều tin tức nhưng tin hiện tại vẫn ít quá, chủ yếu là tin chính trị. Đồng chí Lê Duẩn nói: “Các anh làm tin hay Ban Bí thư làm tin. Đảng giao các anh làm thông tin cho nhân dân, cán bộ. Đưa tin gì, đưa tin cho ai các anh phải chủ động, không phải hơi tí là gặp Ban Bí thư”. Vậy là chúng tôi có động lực để làm.


Sau Espana 82, chúng ta có nguồn vốn lớn và quyết định ra tờ Thể thao Văn hóa, tờ Tuần Tin Tức và tờ Khoa học Kĩ thuật Kinh tế Thế giới. Tờ Tuần Tin Tức bán hàng chục vạn/tuần, còn tờ Thể thao Văn hóa hàng ngày thì số lượng bán cũng nhiều. Tuần Tin Tức ra đời đã đáp ứng nhu cầu thông tin rất lớn của bạn đọc, trong đó có việc “đánh” những sai phạm của than Quảng Ninh (Ngành than trước ngưỡng báo động) bắt đầu có tiếng vang. Liền sau đó là vụ Hà Trọng Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh Thanh Hóa có nhiều sai phạm về đạo đức, lối sống… Tóm lại, từ đó thu nhập từ ảnh, từ in, từ báo, từ giấy trở thành lớn và 3 tờ báo nêu trên còn bán cho công nhân ở nước ngoài.


Chúng tôi quyết định sang Nga, Cuba in báo ảnh ở đó và đạt hiệu quả lớn. Sau đó mở rộng hoạt động đối ngoại, ra tờ “Người đưa tin Unesco” và bán rất đắt. Tổng Giám đốc Unesco biết chuyện mới tới thăm và quyết định cho mỗi năm 200.000 USD để hỗ trợ tờ báo vì họ thấy mình in tờ đó rất đẹp mà lại phát hành rộng rãi.
Năm 1979 chúng tôi sang Nhật Bản để bàn về vấn đề tổ chức phân xã. Sau đó thống nhất hỗ trợ nhau giữa TTXVN với Kyodo và NHK của Nhật. Đến hội nghị toàn quốc năm 83 tại Đà Nẵng, báo cáo của tôi tại hội nghị: TTXVN đã cơ bản hoàn thành hạch toán kinh tế toàn phần, chỉ còn có Tổng giám đốc, các phó Tổng giám đốc và tổ chức cán bộ là nhận lương nhà nước. Như vậy có thể nói TTXVN là cơ quan báo chí đầu tiên tiến hành hạch toán kinh tế toàn phần. Manh nha từ năm 1978 đến năm 1983 thì kết thúc. Thu nhập bình quân của TTX cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi cơ quan báo khác đến tận những năm 1991, 1992. Nhờ có nguồn lực về tài chính, TTXVN đã cải tạo khách sạn Rex, khách sạn Palace trong Sài Gòn để đủ điều kiện đưa khách quốc tế đến dự các hội nghị lớn khi đó.

- Các hoạt động kinh tế sẽ có tác dụng gì với các cơ quan báo chí? Có nên duy trì chế độ bao cấp nhà nước với báo chí, thưa ông?


- Ở các nước tư bản, báo chí có sự hỗ trợ của các tập đoàn tài chính. Việc mỗi tờ báo tự lo một phần hoặc toàn bộ vấn đề tài chính là 1 chiều hướng đúng. Phải làm sao để người ta mua báo chứ đừng làm báo bao cấp. Thực tế hiện nay vẫn còn có báo bao cấp. Hoạt động kinh tế không chỉ tạo nguồn thu giúp tái đầu tư hoạt động báo chí, mà nó còn nâng cao trách nhiệm người làm báo, làm cho tờ báo đến được đối tượng.


Chỉ có bỏ tiền ra mua báo để đọc thì mới quý tờ báo. Nhà báo phải có sự nỗ lực bằng việc bám sát nhu cầu thông tin, công chúng cần loại thông tin gì, chứ không phải là cứ cung cấp thông tin theo ý mình. Người làm báo phải chủ động đi đến tìm hiểu đối tượng. Những lỗi về giật gân, câu khách là lỗi của con người, bản lĩnh chính trị, kĩ năng nghề nghiệp của nhà báo chứ không phải là do cơ chế. Cũng một vấn đề, nếu viết khéo một chút thì có thể đăng nhưng nếu không thì không thể đăng.


Về câu hỏi có nên duy trì bao cấp đối với báo chí, theo tôi, ta vẫn nên duy trì bao cấp với một số tờ báo, một số đối tượng đọc báo. Nhưng không dựa vào cái đó vì nó sẽ làm nghèo báo chí.

- Trước thực trạng hiện nay có một số cơ quan báo chí đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu, thậm chí có nhà báo bán rẻ ngòi bút, ông có ý kiến gì?


- Trước khi chê phải khen đã. Khen vì họ đã đa dạng hóa nguồn tin, tích cực tranh thủ quảng cáo. Nhưng trong khi hội nhập quốc tế, càng đòi hỏi bản lĩnh chính trị của nhà báo. Người làm báo trước hết là người làm cách mạng, yêu nước, yêu CNXH, yêu công bằng xã hội chứ không bán rẻ ngòi bút của mình cho những mục tiêu không lành mạnh. Nhiều phóng viên tranh thủ nguồn tin trên mạng, biên tập lại, thẩm định thông tin chưa tốt, làm sai lệch mục tiêu chính trị.


Tố chất của nhà báo, trước hết đừng mang đồng tiền đặt lên hàng đầu. Nhà báo cũng là nghề mang lại thu nhập. Song đừng để tiền chi phối nội dung và hình thức tờ báo. Trước khi nghỉ hưu, tôi có nói bây giờ là thời kì khó khăn, nếu tôi có làm thì chưa chắc đã làm được như cũ. Cho nên mọi người phải nỗ lực hơn. Đối với mỗi nhà báo, các vấn đề nguyên tắc (bản lĩnh chính trị, kiến thức phong phú, kĩ năng nghề nghiệp) luôn phải được giữ vững.


Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thực hiện:Hoàng Dương

Báo chí đã phản ảnh toàn diện các mặt đời sống đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa

Sáng 19/6, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Quyết định 2472/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số ấn phẩm báo chí, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN