Bắt đầu xuất hiện tâm lý chủ quan
Đáng chú ý, vào những giờ cao điểm, đường phố Hà Nội tấp nập người và xe trở lại. Trên vỉa hè hay phần đường đi bộ, không khó để tìm thấy người dân ở mọi lứa tuổi tập trung đông đúc tập thể dục. Thậm chí có những nhóm người tụ tập không đeo khẩu trang. Chắc chắn trong số ấy, có nhiều người thuộc trường hợp không cần thiết phải ra đường. Không ít hàng quán đã hoạt động trở lại dù không phải là những mặt hàng thiết yếu được phép kinh doanh trong thời điểm cách ly xã hội.
Ngoài phố đã kịp đông, song trong ngõ và tại các khu chợ dân sinh, hoạt động buôn bán diễn ra còn nhộn nhịp hơn. Dường như một bộ phận người dân đang chủ quan với dịch bệnh, bất chấp sự an toàn của chính mình, người thân và cộng đồng. Tại các quầy bán thực phẩm, hoa quả, rau, người dân chen nhau mua bán như ngày thường. Qua quan sát, vẫn còn tình trạng người ra chợ không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng quy cách và không bảo đảm giữ khoảng cách an toàn 2m...
Không chỉ có vậy, vi phạm còn nghiêm trọng hơn với sự xuất hiện của một số nhóm thanh niên tranh thủ vắng người để đua xe. Đêm 8/4, trên mạng xã hội lan truyền clip có nội dung một nhóm thanh niên tụ tập thành từng tốp, bốc đầu, đua xe quanh Hồ Gươm bất chấp lệnh cách ly, coi thường Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội. Tiếp tục, đêm 9/4, hàng chục thanh niên lại có hành động tụ tập, không đội mũ bảo hiểm, phóng xe với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng trên các con đường nội đô, đặc biệt đoạn xung quanh hồ Hồ Gươm.
Bà Trần Thu Hà, người dân sống trên địa bàn quận Hoàn Kiếm bất bình chia sẻ: "Đường phố đông lắm, mấy hôm trước không đông như thế này. Tôi ở nhà cả tuần hôm nay mới ra ngoài để đi chợ nhưng rất bất ngờ vì không nghĩ người dân lại ra đường nhiều như vậy".
Có mặt tại khu vực Ngã tư Kim Mã - Liễu Giai, ngã tư Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi, Xã Đàn, Nguyễn Chí Thanh, đường Láng, Cầu Giấy, Phạm Hùng... lúc 18 giờ ngày 10/4, phương tiện nườm nượp đi lại. Đến 19 giờ, lượng xe cộ vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Đặc biệt, tại các điểm giao nhau giữa các tuyến phố, người và xe như nêm đứng chờ đèn xanh, đèn đỏ, khiến giao thông ùn tắc cục bộ.
So với những ngày đầu Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội với những tuyến phố im lìm, dường như gần đây, nhiều người dân đã bắt đầu có tâm lý chủ quan.
Trong số vô vàn các lý do để người dân tự ý ra đường trong thời điểm này, lý do hàng đầu là chủ quan trước thông tin số ca mắc COVID-19 mới có xu hướng giảm và nhiều người được điều trị khỏi. Bên cạnh đó là sự bí bách, nhàm chán vì phải ở trong nhà lâu ngày.
Thực tế từ tuyến đầu phòng dịch cho thấy, chưa đến thời điểm có thể yên tâm, chưa đủ để khẳng định Việt Nam đã an toàn trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19! Nếu người dân tiếp tục thờ ơ, không nghiêm chỉnh chấp hành, nguy cơ các giải pháp chống dịch bị vô hiệu hóa là rất cao. Và nếu tình trạng chủ quan tiếp tục diễn ra sẽ đe dọa xóa bỏ toàn bộ thành quả đã đạt được sau hơn 100 ngày gây dựng bởi những nỗ lực trong chỉ đạo, quản lý điều hành của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và sự đoàn kết, chung tay, sự hy sinh, mất mát của các lực lượng quân đội, công an nhằm đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho nhân dân.
Cần sự chung tay, đồng lòng của mỗi người
Trước đó, chiều 8/4, chủ trì họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, xử lý những cửa hàng bán hàng không thiết yếu, những người ra đường không đeo khẩu trang… Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng thừa nhận, đang có hiện tượng người dân ra đường và đi tập thể dục đông hơn, "phá vỡ những chỉ đạo". "Nếu như vậy, rất dễ rơi vào trường hợp như của Singapore, đến nay họ phải thiết quân luật", ông Chung nói.
Rõ ràng, việc một bộ phận người dân Thủ đô có tâm lý chủ quan, không thực hiện nghiêm "lệnh" cách ly xã hội của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của thành phố Hà Nội, không chỉ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm, mà còn gây ra nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình kiểm soát dịch bệnh.
Sự chủ quan của người dân là nguy cơ tiềm ẩn rất lớn sự bùng phát dịch bệnh trở lại. Bởi thực tế, Việt Nam đã có những kết quả đáng mừng, đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, thể hiện qua số ca nhiễm mới những ngày qua không nhiều. Tuy nhiên, dịch bệnh đang trong giai đoạn nguy hiểm, có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Bài học về sự chủ quan tại nhiều quốc gia trên thế giới khiến họ phải chịu sự bùng phát của dịch bệnh giai đoạn 2 vẫn còn đó.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn 3 với chiến lược phòng, chống là cách ly xã hội, tìm kiếm ca bệnh, khoanh vùng dập dịch và điều trị, tích cực điều trị, hạn chế tử vong. Thế nên, biện pháp quan trọng là kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh ra cộng đồng. Cách ly xã hội được coi là giải pháp căn cơ, quan trọng như lời Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh là giải pháp mạnh mẽ chưa từng có tiền lệ. Nếu làm tốt cách ly xã hội, sẽ ngăn được dịch COVID-19 lan ra cộng đồng và lây chéo, cách ly có thể phát hiện mầm mống của ổ dịch, phát hiện ca nhiễm mới để xử lý và khoanh vùng kịp thời.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 9/4, Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng công an xử lý nghiêm người không thực hiện cách ly toàn xã hội, không đeo khẩu trang, không có việc cần thiết nhưng vẫn ra đường…. Thủ tướng nhấn mạnh, "chúng ta đã làm tốt, đạt kết quả đáng mừng, tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm còn lớn, không thể chủ quan, lơ là, mất cảnh giác". Mọi người dân phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, đeo khẩu trang ở nơi công cộng, ai không thực hiện thì xử phạt, phê phán cá nhân, tập thể vi phạm.
Trước bối cảnh phức tạp của tình hình dịch bệnh, công cuộc chống dịch COVID-19 không chỉ cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của tất cả các cấp, các ngành, còn rất cần sự chung sức, đồng lòng của mỗi người dân.