Trao cả tuổi thanh xuân ở Trường Sơn
Một ngày trung tuần tháng 5/2024, chúng tôi có mặt ở Bảo tàng đường Hồ Chí Minh trên Quốc lộ 6, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 20 km. Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Trường Sơn nằm trong khuôn viên của bảo tàng. Phía sau làn khói hương nghi ngút là một nhóm nữ chiến sỹ từng trực tiếp chiến đấu trên dải Trường Sơn, nay đã lên chức bà nội, bà ngoại, bùi ngùi đứng trước 18 bia ghi danh gần 20 nghìn liệt sĩ của 56 tỉnh, thành trên cả nước đã nằm lại nơi “tuyến lửa” huyền thoại.
Đứng lặng thật lâu trước bia ghi danh liệt sỹ, bà Đồng Thị Mai, chiến sỹ thuộc Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc năm xưa rưng rưng ngấn lệ. Dòng nước mắt lăn dài trên gò má, người nữ chiến sỹ Trường Sơn năm xưa kể, chỉ vài tháng trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tiểu đoàn của bà chốt ở khu vực Sê Pôn, Mường Phìn phía Tây Trường Sơn thì một tiểu đội nữ làm nhiệm vụ gần đó trúng bom địch. Một chị hy sinh ngay tại chỗ, còn hai chị bị thương nặng.
Bà Đồng Thị Mai cùng đồng đội sơ cứu và vận chuyển hai cô gái bị thương về tuyến sau thì họ lần lượt hy sinh trên cáng cứu thương. Cũng vào thời điểm đó, máy bay địch tiếp tục tập kích, bắn phá dữ dội. Những người còn sống lau vội nước mắt chôn cất đồng đội của mình rồi “hẹn ngày đất nước hòa bình sẽ trở về tìm lại các chị em”.
“Tôi còn nhớ các chị em đó tên là Thắm, Thắng, Ngọ. Lúc đó họ cũng chỉ mười tám, đôi mươi như tôi”, nói đến đây, giọng bà Mai nấc nghẹn và quay mặt hướng về hướng những bia ghi danh liệt sỹ Trường Sơn.
Nhắc tới những ngày tháng “đi vào Trường Sơn là trao cả tuổi thanh xuân ở đó”, bà Mai bồi hồi nói về lá đơn tình nguyện nhập ngũ được viết bằng máu chích nơi đầu ngón tay của mình với lời tha thiết "cho tôi được ra chiến trường cầm súng chiến đấu". Bà nói rằng, lá đơn đó bà gửi Huyện đội Phú Xuyên vào mùa xuân năm 1971. Những ngày tháng ấy, cả nước sục sôi trước những hành động dã man của Mỹ - ngụy, về những trận bom rải thảm gây tội ác khắp miền Bắc của đế quốc Mỹ. Khi ấy, khí thế miền Bắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam sôi sục từng trường học, từng ngõ xóm. Khắp miền Bắc, biết bao nhiêu học sinh những năm cuối cấp ba đã khai tăng tuổi, trốn gia đình chích máu viết đơn tình nguyện.
“Khi khám tuyển, họ cố nhét vào túi quần mấy cục đá cho đủ cân. Tôi cũng chỉ là một trong số đó," bà Đồng Thị Mai nhớ lại.
Sau khi trúng tuyển, bà Đồng Thị Mai có giấy gọi nhập ngũ và được biên chế vào một tiểu đoàn gồm hơn 500 nữ thanh niên Hà Nội với tên gọi Tiểu đoàn nữ Trưng Trắc, bổ sung cho Mặt trận Trường Sơn thuộc Đoàn 559.
"Nhiệm vụ đi chiến đấu là bí mật, không ai được thông báo về ngày giờ xuất quân. Vậy mà trước giờ tàu chạy, rất đông bà con ở hai bên đường ra đưa tiễn. Phút chia tay, nhiều chị em òa khóc nghẹn ngào. Đó chỉ là một chút ủy mị rất con gái, chứ không ai sợ hãi hay thoái thác nhiệm vụ", bà Đồng Thị Mai kể lại.
Và suốt 5 năm, từ 1971 - 1975, Tiểu đoàn Trưng Trắc kiên cường bám trụ trên hai mái Đông-Tây Trường Sơn, đối đầu với mưa bom bão đạn, chất độc da cam do Mỹ rải xuống. Bảy chị em đã hy sinh, hơn 30 người bị thương. Những người còn lại, sau những trận sốt rét ác tính thì làn da con gái dần xanh tái và tóc dần rụng khỏi đầu. Nhưng họ thầm lặng chịu đựng và vượt lên để bám đường, bám tuyến.
“Gian khổ, ác liệt vậy nhưng chúng tôi đều hoàn thành các nhiệm vụ được giao, bảo đảm cho dòng người, dòng xe ngày đêm nối nhau ra trận, bảo đảm cho đường dây thông tin được thông suốt, kịp thời cấp cứu thương binh,” bà Đồng Thị Mai hồi tưởng.
Tình đồng đội cao đẹp thời bình
Dù làm nhiệm vụ ở “tuyến lửa” nhưng như chia sẻ của bà Lê Thị Phương Thảo, cựu thanh niên xung phong thuộc Đại đội 5, Đội Thanh niên xung phong 25 Hà Nam thì “các chị em Trường Sơn chưa bao giờ lùi bước”.
Đơn vị của bà Thảo phụ trách cua chữ A ở Đường 20, hay còn gọi là đường Quyết Thắng. Ở nơi đây, cả một vùng rừng núi trơ trốc, hoang tàn vì bị máy bay Mỹ cày đi, xới lại. Nhưng các cô gái trong Đại đội 5 đã thề rằng, bằng mọi giá phải giữ cua chữ A luôn thông suốt. Và họ giữ trọn lời thề đó: “Máu C5 có thể đổ nhưng đường C5 không thể tắc. Quyết tử cho cua chữ A, quyết thông!”.
Trong những năm tồn tại tuyến Đường 20 vượt khẩu sang ngã ba Lùm Bùm, đèo Phu La Nhích bị máy bay Mỹ đánh phá gần 10.000 lần, trong đó có khoảng 2.450 lần bằng máy bay B52. Mỗi cán bộ, chiến sỹ công binh, thanh niên xung phong chốt giữ trọng điểm hứng chịu bình quân khoảng 1.900 quả bom các loại. Tháng 3/1973, khi đến thăm trọng điểm Phu La Nhích, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Chỉ có ý chí gang thép mới trụ được trên trọng điểm này”.
Dũng cảm phi thường, các nữ chiến sỹ Trường Sơn đã vượt lên gian khổ, thiếu thốn, vất vả. Và giữa chốn mưa bom bão đạn ấy, tình đồng đội luôn là điều đẹp nhất. Trên chiến trường, họ chia nhau từng nắm cơm, ngụm nước mát, từng tấm áo che nắng, che mưa. "Tình cảm đồng chí, đồng đội là nguồn cổ vũ, động viên nhau, đó là cảm xúc giúp cho chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ”, bà Lê Thị Phương Thảo bồi hồi nhớ lại.
Và như chia sẻ tự hào của Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam: Đất nước thống nhất, hoà bình, năm 2016 Hội được thành lập. Từ đó đến nay, Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam đã có hơn 31 vạn hội viên, 88 tổ chức thành viên. Phát huy tinh thần Bộ đội Trường Sơn, tình đồng đội đồng chí cao đẹp trong thời bình, các hội viên đã hiến gần 253.000m2 đất, ủng hộ hơn 8,1 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Thực hiện cuộc vận động “Hội viên Trường Sơn làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giúp nhau khắc phục khó khăn, nâng cao đời sống”, hội viên đã giúp nhau vay hơn 9 tỷ đồng không tính lãi để phát triển kinh tế; huy động hơn 317 tỷ đồng tri ân, giúp đỡ hội viên. Nhờ đó, đã hỗ trợ xây, sửa hơn 2.600 ngôi nhà cho hội viên, tặng gần 4.400 sổ tiết kiệm và học bổng cho hội viên và con em hội viên…
Bài cuối: Đi tới tương lai thịnh vượng