Tham dự có Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, lãnh đạo các bộ, ngành và cán bộ chủ chốt của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng cho biết, giai đoạn từ năm 2015 đến nay, PVN tiếp tục giữ vững vai trò quan trọng trong đóng góp ngân sách nhà nước với số nộp hàng năm chiếm tỷ trọng từ 9 - 11% tổng thu ngân sách chung của nhà nước và chiếm 16,5 - 17% tổng thu ngân sách trung ương. Đóng góp cho GDP cả nước trung bình hàng năm 10 - 13%. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế hợp nhất/vốn chủ sở hữu bình quân đạt 10,4%/năm. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế hợp nhất/vốn điều lệ đạt 15,8% của giai đoạn 2010-2019. Tổng tài sản hợp nhất của Tập đoàn đến hết năm 2019 là 861,4 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi tác động kép của dịch COVID-19 và giá dầu giảm (trung bình trong 8 tháng năm 2020 giá dầu xuất bán chỉ bằng 73,7% giá dầu kế hoạch, giảm 23,1 USD/thùng so với mức giá 8 tháng 2019), tuy nhiên, nhờ áp dụng quyết liệt và đồng bộ các giải pháp, Tập đoàn đã đạt kết quả khả quan với doanh thu đạt trên 372 nghìn tỷ đồng. Trong 8 tháng Tập đoàn nộp ngân sách nhà nước 45,0 nghìn tỷ đồng. Tập đoàn kinh doanh có lãi, đảm bảo dòng tiền không bị gián đoạn. Các đơn vị thành viên đều hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn, ổn định. Công tác quản trị, tiết giảm chi phí thực hiện nghiêm túc. Tập đoàn đã rà soát, xây dựng kế hoạch tiết giảm tối ưu chi phí theo chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (chủ yếu là chi phí quản lý, sản xuất) với mục tiêu cả năm 2020 là 9.307 tỷ đồng, lũy kế 8 tháng tiết giảm 6.523 tỷ đồng, đạt 70,1% so với kế hoạch.
Tổng Giám đốc PVN cho biết, trong công tác cổ phần hóa, Tập đoàn đã hoàn thành cổ phần hóa tất cả các đơn vị trong danh mục giai đoạn 2017-2020 bao gồm: Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) và Công ty TNHH MTV Lọc - Hóa Dầu Bình Sơn (BSR). Các đơn vị đã hoàn thành đăng ký giao dịch cổ phiếu của các đơn vị trên sàn giao dịch Upcom/HSX. Số tiền đã thu về là 16.442 tỷ đồng, trong đó thặng dư nộp vào ngân sách nhà nước 7.346 tỷ đồng. Tập đoàn đã hoàn thành thoái vốn tại Công ty Cổ phần Bất động sản Dầu khí Việt Nam-SSG và Công ty TNHH Hóa Dầu Long Sơn (LSP), thu được 2.075 tỷ đồng và lãi so với giá trị đầu tư ban đầu là 1.187 tỷ đồng.
Nhấn mạnh Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam có sứ mệnh góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và là đầu tàu kinh tế trong xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng đây là một trong những trụ cột kinh tế của đất nước, thực hiện vai trò là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước; tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Đến nay, PVN đã có thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế với trình độ khoa học công nghệ tương đồng với các nước phát triển, có quy mô lớn và năng lực cạnh tranh cao, làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong nước và ngoài nước, là doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng nhất.
Chia sẻ với những khó khăn mà Tập đoàn đối mặt trong các năm qua, từ sự thay đổi lãnh đạo; tác động của giá dầu thô giảm, biến động khó dự đoán; sản lượng dầu khí suy giảm, cạnh tranh quyết liệt của thị trường các sản phẩm dầu khí, đến ảnh hưởng của các vụ án tham nhũng, vi phạm xảy ra tại Tập đoàn..., Phó Thủ tướng ghi nhận, nhờ tinh thần quyết tâm cố gắng, nỗ lực cao nhất, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro, PVN đã hoàn thành các chỉ tiêu, khẳng định vai trò vị trí quan trọng của mình trong nền kinh tế.
Nêu rõ những khó khăn, thách thức tới đây còn rất lớn, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; các yếu kém hiện tại của Tập đoàn được dự báo sẽ phải khắc phục trong nhiều năm tới đây..., Phó Thủ tướng lưu ý, PVN cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035; triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có việc nâng cao năng lực của ngành dầu khí và các ngành tài nguyên, khoáng sản biển khác; từng bước làm chủ công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong thời kỳ mới.
Tập đoàn cần đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí; nghiên cứu, thăm dò các bể trầm tích mới; gắn việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí với điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng các tài nguyên, khoáng sản biển khác, khoáng sản biển sâu, đặc biệt là các khoáng sản có trữ lượng lớn, giá trị cao, có ý nghĩa chiến lược. Tập đoàn cần nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu; kết hợp hài hòa giữa khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Tập đoàn nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, thực hiện cơ cấu lại, tập trung vào lĩnh vực, ngành nghề chính; rà soát, cơ cấu lại các nguồn lực; tiếp tục tổ chức thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. PVN có giải pháp điều hành phù hợp để đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước, bảo đảm an ninh năng lượng, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh xăng dầu; duy trì ổn định các hoạt động sản xuất, thăm dò, khai thác dầu khí; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; có giải pháp phù hợp xử lý các tồn tại của một số dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương (Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, Dự án nhiên liệu Dung Quất, Dự án nhiên liệu Phú Thọ...).
Phó Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo PVN hoàn thành việc quyết toán cổ phần hóa đối với Tổng Công ty Dầu Việt Nam - PVOil, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn - BSR, Tổng công ty Điện lực Dầu khí. PVN cần xây dựng giải pháp để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn của các thành phần kinh tế khác đầu tư vào các dự án của Tập đoàn, trong đó có dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hóa lỏng LNG nhằm đảm bảo hài hòa với phân bố các nguồn khí tự nhiên, đáp ứng nhu cầu của các hộ tiêu thụ, thu gom và cung cấp 100% khí tự nhiên; phối hợp cùng ngành điện để hình thành chuỗi giá trị, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả đầu tư; có giải pháp khả thi để sớm ứng dụng công nghệ 4.0 vào phát triển ngành dầu khí, thích ứng với xu hướng chuyển dịch năng lượng và nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh giá dầu ở mức thấp trong thời gian dài.