Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết cho biết, dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XI đã trải qua 11 lần xin ý kiến. Các ý kiến đóng góp đã được nghiên cứu, chắt lọc, tiếp thu để đưa vào các dự thảo báo cáo chính trị.
Nhằm đảm bảo tính khoa học, khách quan, từ tháng 4 - 7/2023, Ban Thư ký Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tiến hành hai cuộc khảo sát, nghiên cứu và lấy ý kiến sinh viên trên diện rộng. Đó là đề tài nghiên cứu “Lối sống và định hướng giá trị của sinh viên hiện nay” (số lượng mẫu định lượng hơn 25.000 sinh viên, số lượng mẫu định tính gần 100 sinh viên) và chương trình khảo sát trực tuyến “Hiến kế sinh viên” (số lượng sinh viên tham gia đóng góp hơn 10.500 người). Các hoạt động khảo sát đã tạo đợt sinh hoạt sâu rộng trong hội viên, sinh viên Việt Nam đóng góp, hiến kế, chia sẻ mong muốn, khát vọng xây dựng Hội ngày càng vững mạnh và phát triển.
Với tiêu đề “Vun đắp lý tưởng cách mạng; đồng hành, phát huy sinh viên Việt Nam phấn đấu vì sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; xây dựng Hội vững mạnh”, dự thảo Báo cáo chính trị nhiệm kỳ XI tập trung phân tích kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ X, nêu rõ bối cảnh trong và ngoài nước, tình hình sinh viên giai đoạn tiếp theo. Dự thảo cũng cập nhật, tiếp thu các chủ trương, nội dung mới của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, từ đó đề ra phương hướng, quan điểm chỉ đạo và các giải pháp trọng tâm, cụ thể hóa cho công tác Hội, phong trào sinh viên nhiệm kỳ XI.
Tại hội nghị, đa số các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ càng, công phu của ban soạn thảo; đồng tình với nhiều nội dung. Các đại biểu góp ý, đề xuất nhiều nội dung nhằm hoàn thiện báo cáo.
Ông Hoàng Bình Quân, nguyên Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, nguyên Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn, nguyên Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam cho rằng, báo cáo phải có tính cập nhật với thời cuộc; khắc họa vai trò, vị thế của sinh viên và đúc kết được những thành tố quan trọng. Báo cáo cần ngắn gọn, súc tích, văn phong mềm mại để phù hợp, gần gũi với sinh viên. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0, Hội Sinh viên Việt Nam cần tận dụng tối đa năng lực của công nghệ, cụ thể là mạng xã hội để tăng cường chiều sâu trong thu hút, tập hợp sinh viên…
Bà Trần Thị Mai Hương, nguyên Tổng Thư ký Hội Sinh viên Việt Nam đánh giá cao việc Hội thực hiện hai cuộc khảo sát, nghiên cứu và lấy ý kiến sinh viên trên diện rộng để làm chất liệu khách quan, thực tiễn xây dựng Báo cáo chính trị. Tuy nhiên, chương trình tư vấn, hỗ trợ sinh viên còn sơ sài, cần được chú trọng nhiều hơn. Hội là tổ chức của sinh viên nên các nội dung phải gắn với mối quan tâm của sinh viên như về đời sống, áp lực học tập… Hội cần đưa ra được phong trào, hoạt động gắn với đời sống, mối quan tâm hàng ngày cùng với các vấn đề như bảo vệ quyền, khó khăn của sinh viên. Trong bối cảnh cá nhân hóa, phân tán về lối sống của người trẻ hiện nay thì lĩnh vực đoàn kết sinh viên cũng phải được đặt ra…
Phó Bí thư Thành Đoàn Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Trần Quang Hưng đề xuất cần có giải pháp công nhận, quản lý các mô hình của sinh viên; có thêm nhiều hoạt động cho Hội ở ngoài nước tham gia với sinh viên trong nước, qua đó khai thác tiềm năng, nguồn lực của lực lượng này…
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028 dự kiến diễn ra tháng 12/2023 tại Hà Nội với sự tham gia của 700 đại biểu đại diện cho hơn 2 triệu sinh viên Việt Nam ở trong và ngoài nước.