Đây là dịp để bà con Việt kiều giao lưu, kết nối, chia sẻ về những khó khăn và thuận lợi trong quá trình sinh sống, học tập, làm việc và cả những điều thú vị ở nước sở tại.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, tham dự cuộc gặp có Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, một số Việt kiều ở Ấn Độ và Nepal, các tăng ni sinh và lưu học sinh tại Ấn Độ cùng các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán.
Theo ước tính của Đại sứ quán tại Ấn Độ, hiện có khoảng 500 người Việt Nam tại Ấn Độ và 40-50 người tại Nepal, trong đó, các tăng ni sinh theo học tại các trường có khoa/bộ môn nghiên cứu về Phật giáo, triết học thường tập trung tại một số trung tâm, cơ sở thờ tự Phật giáo (cả ngắn hạn và dài hạn) vào khoảng 180 người tại Ấn Độ; số lưu học sinh khoảng 90 người.
Ngoài ra, cũng có một số công dân Việt Nam lấy chồng/vợ là người Ấn Độ hoặc người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Ấn Độ; và một số người Việt Nam sang Ấn Độ lao động, làm việc.
Trưởng bộ phận Lãnh sự Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, ông Nguyễn Duy Khánh nhận xét, do có sự khác biệt lớn về văn hóa, phong tục tập quán, rào cản ngôn ngữ, nên việc hội nhập, thích nghi với xã hội sở tại của người Việt tại Ấn Độ gặp nhiều khó khăn. Các phụ nữ lấy chồng tại Ấn Độ ít có điều kiện đi làm, trong khi số gia đình chồng có điều kiện kinh tế không nhiều. Trong khi đó, điều kiện sinh hoạt của các lưu học sinh cũng khó khăn hơn so với các lưu học sinh ở nhiều nước khác do mức học bổng thấp, cơ sở vật chất chỉ đảm bảo sinh hoạt tối thiểu. Các em hầu như không có thời gian và công việc làm thêm.
Về phần mình, phát biểu tại cuộc gặp, Đại sứ Phạm Sanh Châu bày tỏ hy vọng mỗi Việt kiều hãy là một sứ giả mang hình ảnh, văn hóa Việt Nam đến với người dân nước sở tại. Đại sứ cũng khẳng định sẽ nỗ lực hết sức và tạo mọi điều kiện trong khả năng của mình để góp phần xây dựng cộng đồng người Việt Nam tại Ấn Độ và Nepal ngày càng lớn mạnh và gắn kết.