Với vai trò quan sát viên chính thức tham gia Hội nghị COP27, bà Ngô Tố Nhiên, Giám đốc điều hành VIET cho biết, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) tổ chức tại thành phố Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, năm 2021, Việt Nam trở thành điểm sáng với tuyên bố mục tiêu đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Cam kết này đã góp phần định hình các chiến lược bảo vệ khí hậu của Việt Nam ngay sau COP26, với việc ban hành những chính sách, để tạo cơ sở cụ thể hóa cam kết, như thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện cam kết COP26, ban hành một số văn bản quan trọng như: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; kế hoạch hành động giảm phát thải khí methane đến năm 2030...
Hội nghị COP27 được tổ chức tại Sharm El-Sheikh, Ai Cập, từ ngày 6 – 18/11/2022 là một tiến trình tiếp nối COP 26, nhằm hiện thực hóa các cam kết của các Nguyên thủ quốc gia và tăng cường hợp tác giữa các bên, cùng nhau thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu nhằm thực hiện cam kết đối phó với khủng hoảng khí hậu, năng lượng đang diễn ra rất phức tạp. Hội nghị COP27 ưu tiên những vấn đề về thích ứng, khắc phục tổn thất, nâng cao tính khả thi trong triển khai các mục tiêu bảo vệ của từng quốc gia, đồng thời chú trọng đặc biệt tới những khó khăn mà các quốc gia đang phát triển như Việt Nam phải đối mặt.
Những tuyên bố, chính sách tại Hội nghị COP27 sẽ đóng vai trò không nhỏ vào việc hình thành và định hưởng cho các hành động chiến lược để bảo vệ khí hậu từ các quốc gia trong tương lai. Bà Ngô Tố Nhiên chia sẻ, đền bù mất mát và thiệt hại là kết quả nổi bật nhất tại COP27. Thỏa thuận về các gói đền bù của các quốc gia phát thải nhiều trong quá khứ cho các quốc gia đang phát triển chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu lần đầu tiên được đưa vào chương trình nghị sự của COP27.
Nổi bật nhất trong dự án Sharm el-Sheikh là nội dung về hỗ trợ các nước chịu thiệt hại nặng nề do biến đổi khí hậu, các nước này sẽ nhận được tài trợ từ Quỹ mất mát và thiệt hại do biến đổi khí hậu. Việc nước nào chi trả và nước nào được hưởng lợi sẽ làm nóng các cuộc thảo luận tại Hội nghị COP 28; việc tài trợ quỹ này có nhiều điều kiện đi kèm. Nhấn mạnh kết quả của COP27 về giảm phát thải, bà Ngô Tố Nhiên cho rằng: các nước thành viên thống nhất về việc theo đuổi mục tiêu “1.5 độ C", đòi hỏi giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu -43% vào năm 2030 so với năm 2019. Đồng thời, đề xuất loại bỏ dần tất cả các dạng nhiên liệu hóa thạch. Nhiều quốc gia (bao gồm cả nước chủ nhà Ai Cập) muốn tiếp tục khai thác nhiên liệu hóa thạch trong khi vẫn muốn nhận tài trợ để ứng phó biến đổi khí hậu.
Theo bà Trương An Hà, chuyên gia nghiên cứu Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam, đàm phán về tài chính cho thấy nhu cầu cao nhưng việc huy động chưa được đáp ứng. Thế giới cần 4.000 tỷ đô la Mỹ để đầu tư năng lượng tái tạo đến năm 2030 nhằm đạt được kế hoạch Net-zero vào năm 2050; cần 4000 – 6000 tỷ đô la Mỹ/năm đầu tư chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp toàn cầu.
Các quốc gia phát triển một lần nữa không đạt được Cam kết huy động 100 tỷ đô la Mỹ/năm cho tài chính khí hậu. Hội nghị thượng đỉnh biến đổi khí hậu COP28 sẽ được tổ chức tại Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) từ ngày 30/11 đến 12/12 năm 2023. Hội nghị COP28 dự kiến sẽ đưa ra kết luận đánh giá việc thực hiện Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu (quy trình đã được bắt đầu từ COP26). Tại Hội nghị COP28, các tổ chức tài chính và khối tư nhân được kỳ vọng sẽ đưa ra kết quả thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26 của mình cũng như cập nhật các cam kết.