Giải báo chí Quốc gia hàng năm là sự kiện báo chí lớn nhằm tôn vinh các tác giả, tác phẩm xuất sắc nhất của một năm. Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII - năm 2012 đã quyết định trao tặng cho 117 tác phẩm đoạt giải thuộc 11 loại giải; trong đó, có: 5 giải A, 28 giải B, 45 giải C và 39 giải khuyến khích.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đồng chí Đinh Thế Huynh trao giải và tặng hoa cho các tác giả và nhóm tác giả đoạt giải A. Ảnh: Đức Tám – TTXVN. |
Lễ trao Giải báo chí Quốc gia lần thứ VII- năm 2012 được tổ chức trọng thể tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội trong ngày truyền thống của Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6.
Đến dự sự kiện có ý nghĩa to lớn của những người làm báo; chúc mừng các tác giả, tác phẩm xuất sắc trong năm, chúc mừng Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam có các đồng chí: Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội. Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ VII cũng được đón tiếp nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng - lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ; các nhà báo lão thành… cùng đông đảo những người làm báo trong cả nước.
Phát biểu tại Lễ trao Giải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự ủng hộ của nhân dân, kể từ ngày 21/6/1925, ngày lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xuất bản báo Thanh Niên - tờ báo khởi đầu cho nền báo chí cách mạng Việt Nam, cho tới ngày nay, lực lượng báo chí cách mạng nước ta không ngừng lớn mạnh đã đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng và dân tộc ta và đã trở thành lực lượng xung kích tin cậy của Đảng và Nhà nước trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Báo chí cũng đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng bầu không khí dân chủ, cởi mở trong đời sống xã hội và đã trở thành một diễn đàn quan trọng phản ánh tiếng nói của người dân.
Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của mình, báo chí cả nước đã tuyên truyền cổ vũ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, đặc biệt là chủ trương của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Có thể khẳng định rằng, báo chí nước ta đã góp phần quan trọng trong việc tạo sự đồng thuận xã hội và những thành tựu chung trên các lĩnh vực trong những năm đầy khó khăn, thách thức vừa qua.
Trong thời đại của hội nhập quốc tế và trong bối cảnh mới về thông tin truyền thông ngày nay, báo chí đã đưa tin nhanh nhạy, phản ánh phong phú đa chiều về các diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế. Thông tin và truyền thông rộng rãi về các chủ trương, chính sách, pháp luật, nhất là công tác chỉ đạo, điều hành sôi động quyết liệt của Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và tăng cường công tác đối ngoại, nhất là các giải pháp về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tài chính tiền tệ, các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đấu tranh giữ vững chủ quyền, lãnh thổ quốc gia…
Phản ánh đa dạng, phong phú nhịp đập của đời sống kinh tế - xã hội, báo chí không chỉ coi trọng việc phát hiện, giới thiệu và cổ vũ những nhân tố mới, mô hình hay, biểu dương gương người tốt việc tốt… mà còn tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, những biểu hiện của suy thoái đạo đức lối sống và đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, góp phần tích cực vào việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Báo chí ngày càng khẳng định là một kênh thông tin quan trọng, góp phần thiết thực vào công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Đồng hành cùng với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, báo chí cách mạng Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức và vươn lên, lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, tính chuyên nghiệp ngày càng được nâng cao với đầy đủ các loại hình báo chí truyền thống và hiện đại như báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử và truyền thông đa phương tiện… Và hôm nay chúng ta tự hào về đội ngũ những người làm báo hùng hậu với gần 20 nghìn hội viên trong cả nước. Nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng cao và tạo hiệu quả xã hội tốt, thể hiện bước trưởng thành cả về bản lĩnh chính trị và trách nhiệm xã hội, kỹ năng nghề nghiệp của người làm báo.
“ Báo chí cách mạng của nước ta đã thực sự trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và chúc mừng những thành tích, những kết quả đạt được có ý nghĩa rất quan trọng của đội ngũ những người làm báo trong cả nước; nhiệt liệt chúc mừng các nhà báo vinh dự được trao Giải Báo chí quốc gia hôm nay.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu một số nội dung, định hướng nhiệm vụ đối với báo chí cách mạng trong thời gian tới.
Theo đó, thứ nhất, báo chí nước ta cần tiếp tục tuyên truyền có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Nghị quyết của các Hội nghị Trung ương, Nghị quyết của Bộ Chính trị và phản ánh kịp thời việc học tập, nghiên cứu, triển khai ở các cấp, các ngành, địa phương nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận về chính trị tư tưởng trong toàn Đảng và toàn xã hội. Đổi mới công tác tuyên truyền và nâng cao hiệu quả việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Tuyên truyền cổ vũ, động viên mọi người dân và doanh nghiệp trong cả nước thực hiện có kết quả các Nghị quyết của Quốc hội và các chính sách, pháp luật, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, cùng nhau nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước ta.
Tuyên truyền, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước, các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, những gương người tốt, việc tốt; quảng bá hình ảnh tốt đẹp của đất nước và con người Việt Nam; tăng cường hữu nghị và hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển với các nước.
Thứ hai, báo chí cần thực hiện tốt hơn nữa, chính xác hơn nữa việc phát hiện và phê phán mạnh mẽ tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; góp phần tích cực ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống. Báo chí của chúng ta phải luôn là một lực lượng nòng cốt, quan trọng trong đấu tranh phản bác các quan điểm, các thông tin sai trái, vu khống, xuyên tạc tình hình của đất nước; cũng như những thông tin gây phân tâm, làm phức tạp tình hình và không có lợi cho đất nước.
Thứ ba, các cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp, các Bộ ban ngành và các cơ quan Trung ương phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí...; thực hiện nghiêm túc quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí; xử lý đúng pháp luật các việc làm sai trái trong hoạt động báo chí. Thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc Tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam.
Thứ tư, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thời cơ thuận lợi và thách thức khó khăn đều lớn, đan xen nhau, đòi hỏi những người làm báo của chúng ta phải luôn tu dưỡng, rèn luyện để không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, nhanh nhạy tiếp cận với thông tin mới, công nghệ làm báo mới mà còn phải có phẩm chất tốt đẹp, bản lĩnh chính trị vững vàng, nhạy cảm và tỉnh táo trong xử lý thông tin và đưa thông tin. Mọi thông tin trên báo chí phải xuất phát từ cái tâm trong sáng của nhà báo cách mạng Việt Nam, tất cả vì lợi ích của quốc gia dân tộc, vì quyền lợi chính đáng của người dân và phải nhằm tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ năm, tiếp tục tổ chức thật tốt Giải báo chí quốc gia. Tuyên truyền sâu rộng hơn nữa, thu hút ngày càng nhiều những tác phẩm báo chí xuất sắc; có hình thức tôn vinh và động viên khen thưởng kịp thời, xứng đáng đối với những nhà báo trong sáng, kiên định, dũng cảm, sáng tạo, có những tác phẩm tốt cả về nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện. Phát huy và nhân rộng ảnh hưởng và giá trị xã hội của Giải báo chí quốc gia sau 7 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng, khoa học, hiện đại và chuyên nghiệp.
“ Nhân dịp kỷ niệm 88 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam và trao Giải báo chí quốc gia lần thứ 7, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thân ái chúc các đồng chí, những người làm báo Việt Nam, luôn xứng đáng là những chiến sĩ kiên cường trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, cùng nhau chung sức chung lòng vì mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam XHCN - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu thay mặt những người làm báo Việt Nam chân thành cảm ơn sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân cả nước luôn dành cho những người làm báo nước nhà; đó là động lực và tiền đề để Báo chí cách mạng Việt Nam làm tròn sứ mệnh cao cả của mình trên con đường đồng hành cùng dân tộc. Báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Phát biểu khai mạc Lễ trao giải của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu nêu rõ: Những vấn đề thời sự chính trị lớn của đất nước trong năm 2012 được phản ánh đầy đủ, sâu đậm, có sức thuyết phục trong rất nhiều tác phẩm báo chí như: việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4; chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; vấn đề biên giới, chủ quyển, biển đảo…
Những biến động trong đời sống kinh tế, chính trị - xã hội, an ninh quốc phòng; những nhân tố mới, gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến, thành tựu xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, trong đồng bào dân tộc thiểu số; khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt; đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh với các thế lực thù địch, các hoạt động sai trái chống phá Nhà nước, chế độ; các vấn đề nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường… là những mảnh ghép đậm sắc mầu trong bức tranh toàn cảnh về các tác phẩm báo chí xuất sắc được trao giải trong năm.
Với trên 800 cơ quan báo chí, hơn 1000 ấn phẩm, kênh sóng trong cả nước, cuộc cạnh tranh của làng báo chí Việt Nam trong bối cảnh khó khăn của kinh tế trong nước, khu vực và thế giới ngày càng gay gắt. Để bám trụ, vươn lên, mỗi Bộ Biên tập, Ban Biên tập, Ban Giám đốc báo, đài đều cố gắng đổi mới, tạo dựng phong cách riêng; không ngừng nâng cao chất lượng nội dung, hình thức; tạo ra những sản phẩm hàng hóa đặc thù, đặc biệt. Đó là những sản phẩm hàng hóa có tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, lý tưởng, thẩm mỹ, văn hóa, nghệ thuật; bảo vệ, đề cao cái đúng, cái đẹp, chân thực, nhân văn; đấu tranh với cái sai, lệch lạc, cái xấu; đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước… Những tác giả, tác phẩm báo chí xuất sắc nhất trong mỗi năm ít nhiều đã thể hiện được nhiệm vụ và thiên chức đặc thù của báo chí cách mạng.
Về Giải Báo chí Quốc gia năm 2012, trong số 117 tác phẩm đoạt giải, có 61 tác phẩm báo chí Trung ương, 56 tác phẩm báo chí địa phương; trong số 5 giải A, có 2 giải thuộc về báo in, 2 giải thuộc về báo nói, 1 giải thuộc về báo hình.
Giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn (báo in) có 1 giải A cho loạt bài Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của nhóm tác giả Nguyễn Minh Phong, Hồ Quang Phương, Vũ Như Thăng, Nguyễn Huyền Nga thuộc Liên Chi hội Nhà báo Báo Quân đội nhân dân.
Giải phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (báo in) có 1 giải A: loạt bài Tập đoàn kinh tế Nhà nước – Những lát cắt thời sự của nhóm tác giả phạm Văn Miên, Phan Đăng, Nguyễn Tuấn, Lệ Thúy (Báo công an nhân dân), Liên Chi hội nhà báo Báo Công an nhân dân.
Giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, chuyên đề phát thanh tổng hợp (phát thanh), 1 giải A dành cho tác phẩm Bước ngoặt thần kỳ của lịch sử - Bản anh hùng ca Hà Nội tháng 12 năm 1972 của nhóm tác giả Lê Tuyết, Nguyễn Mỹ Hà, Đàm Thị Hoa, Đỗ Việt Nga thuộc Liên Chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam.
Giải phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký (phát thanh), 1 giải A cho loạt bài Động đất ở thủy điện sông Tranh 2 “Dư chấn lòng dân” của nhóm tác giả Phạm Tấn Tư , Phan Thanh Hà, Đặng Văn Năm (Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam, Khu vực miền Trung), Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam.
Giải tin, phóng sự, ký sự (báo hình), 1 giải A cho tác phẩm Làm giàu ở Trường Sa của nhóm tác giả Chung Hưng, Hưng Phúc, Hữu Tường, Quang Vinh (Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận), Hội Nhà báo Bình Thuận.
Giải Báo chí Quốc gia năm 2012, cơ cấu giải được mở rộng từ 8 lên 11 loại giải so với trước; ảnh báo chí và báo điện tử được tách riêng; một số thể loại trong cơ cấu giải được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. Theo thông tin từ Ban tổ chức Giải: đã có 146 đơn vị, trong đó có: 59 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố; 56 Liên Chi hội, Chi hội cơ quan báo chí Trung ương, đã gửi 1.540 tác phẩm dự giải. Có 1.450 tác phẩm đủ điều kiện dự giải, gồm 1.253 tác phẩm của hội viên Hội Nhà báo và 197 tác phẩm của cộng tác viên. Đây là số năm có số lượng tác phẩm dự giải cao nhất từ mùa giải đầu tiên (năm 2006) đến nay. Đánh giá của Hội đồng Giải: các tác phẩm dự giải có chất lượng đồng đều; khoảng cách chênh lệch giữa báo chí trung ương và các địa phương ngày càng rút ngắn.
Một số Liên Chi hội, Hội Nhà báo ở đơn vị báo chí Trung ương vẫn giữ được truyền thống có nhiều tác phẩm đoạt giải trong các mùa Giải Báo chí Quốc gia như các Liên chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân Đội Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam…
Mùa Giải báo chí Quốc gia năm 2012, ở thể loại tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận (Báo Điện tử), không có giải A, chỉ có 2 giải B. Loạt bài Tăng viện phí – Những góc nhìn đa chiều của tác giả Cao Thị Thùy Giang – Báo Điện tử VietnamPlus, TTXVN đoạt 1 trong 2 giải B của thể loại này. Thể loại phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (Báo Điện tử), không có giải A. Loạt bài Thảm họa La Pán Tẩn: Cân quặng, mạng người của Trần Sơn Bách, Đỗ Mạnh Hùng - Báo Điện tử VietnamPlus, TTXVN giành 1 trong giải B của thể loại trên.
Ảnh báo chí vẫn là thế mạnh của TTXVN với 2 trên 3 giải C là: tác phẩm Thuyền viên Việt Nam bị hải tặc Somalia bắt đã trở về của An Đăng (Ban Biên tập ảnh); tác phẩm Dấu ấn Đại Hùng của tác giả Hoàng Quang Hà (Báo ảnh Việt Nam ).
Loạt bài kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không (báo in) của Dương Anh Tùng; Đầu tư cho tam nông ở Lâm Đồng (báo in) của Phan Văn Đông; Học Bác mỗi ngày (truyền hình) của nhóm tác giả thuộc Trung tâm Thông tin Tư liệu TTXVN được trao giải C.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh trao giải cho tác giả và nhóm tác giả có tác phẩm đoạt giải A. Các đồng chí Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trao Giải B cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải. Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam trao giải C cho các tác giả đoạt giải.
Thiện Thuật - Công Hải