Giải pháp thu hút nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài

Công tác thu hút nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã và đang là một trong những điểm sáng đóng góp cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương trên cả nước.

Hội nghị Ngoại vụ lần thứ 19 diễn ra ngày 12/8 tại Hà Nội, đại diện các cơ quan Trung ương và Sở Ngoại vụ các địa phương đã chia sẻ nhiều thông tin, bài học kinh nghiệm về công tác thu hút nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên thảo luận với nội dung "Công tác đối ngoại phục vụ phát triển của địa phương". Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Hợp tác phát triển trong công tác phi chính phủ nước ngoài

Đánh giá công tác viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài không chỉ đóng góp về kinh tế-xã hội mà còn  có ý nghĩa về mặt chính trị và đối ngoại, ông Mai Thức, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, trước đây viện trợ nghĩa là “nhận và cho” nhưng hiện nay, viện trợ đã ở giai đoạn cao hơn, đó là hợp tác phát triển.

Với đặc thù là một tỉnh có nhiều khó khăn, có hậu quả chiến tranh hết sức nặng nề, trong thời gian qua, nguồn lực nước ngoài nói chung và nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài nói riêng được lãnh đạo tỉnh Quảng Trị quan tâm đúng mức và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Hiện, Quảng Trị có quan hệ hợp tác với hơn 40 tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Trong hai năm (từ 2016-2017), Quảng Trị vận động được 81 dự án với tổng giá trị cam kết hơn 39 triệu USD. Tỉnh được đánh giá là một trong những địa phương thu hút được nhiều dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài với giá trị cao.

Từ thực tiễn công tác viện trợ phi chính phủ phi nước ngoài tại địa phương, ông Mai Thức cho rằng, công tác phi chính phủ nước ngoài cần được xem là hoạt động chính trị đối ngoại, từ đó có sự chỉ đạo thống nhất trong toàn hệ thống chính trị; đồng thời ngăn ngừa, hạn chế những mặt trái, không để các thế lực thù địch lợi dụng, làm phương hại đến an ninh chính trị, lợi ích quốc gia.

Cùng với đó, theo ông Mai Thức, cần xem viện trợ phi chính phủ nước ngoài là nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, từ đó kiện toàn khung pháp lý, các văn bản pháp quy cho công tác tiếp nhận và quản lý viện trợ phi chính phủ nước ngoài, tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị tổ chức mở rộng hợp tác quốc tế.

Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cần được coi là các đối tác chứ không chỉ là nhà tài trợ để xác lập rõ ràng hơn mối quan hệ trong quá trình vận động viện trợ, hợp tác triển khai các chương trình, dự án.

Đặc biệt, cần đề cao vai trò, sự tham gia của người dân vào các dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài, xem người dân là chủ thể trong quá trình triển khai dự án. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành Trung ương, hoàn thiện Nghị định số 12 của Chính phủ về đăng ký, quản lý hoạt động các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam; Nghị định số 93 của Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài để có chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Cùng với đó, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần đưa công tác phi chính phủ nước ngoài trở thành một trong những nhiệm vụ thường xuyên, qua đó tăng cường trao đổi và cung cấp thông tin giữa các cơ quan trong nước với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ ở nước sở tại kết nối với các địa phương trong nước; hướng dẫn giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xúc tiến, vận động triển khai các chương trình, dự án phi chính phủ nước ngoài.

 Mở rộng nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp

Trong những năm qua, Đà Nẵng là một trong những địa phương điểm về công tác phi chính phủ nước ngoài. Bà Nguyễn Thúy Anh, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng đánh giá, đối với các tỉnh thành miền Trung, Đà Nẵng là một đơn vị trọng điểm.

Trên thực tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài khi đến thành phố Đà Nẵng đều muốn dừng chân tại đây do vị trị trí địa lý thuận lợi, từ thành phố Đà Nẵng, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài có thể dễ dàng vươn ra các địa phương khác trong khu vực miền Trung.

Nhờ vậy, trong năm 2017, Đà Nẵng thu hút được 134 tỷ đồng nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Điển hình là dự án trọng điểm về xây dựng trường mầm non quốc tế dành cho con em công nhân các khu công nghiệp tại địa phương mang tên “One Sky Đà Nẵng” do Tổ chức Half the Sky Foundation–Hoa Kỳ tài trợ có giá trị 3,8 triệu USD.

Trong bối cảnh nguồn hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài có khả năng giảm đi do Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và Sở Ngoại vụ đã tìm hướng mở rộng nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp đóng tại địa phương.

Theo đó, Sở Ngoại vụ tận dụng cơ hội tiếp cận với các doanh nghiệp thông qua trách nhiệm đối với xã hội của mỗi danh nghiệp. Cùng với đó, kết nối với Ban Điều phối viện trợ nhân dân thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tìm hiểu thêm nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Đặc biệt, cơ quan chức năng của Đà Nẵng thường xuyên giới thiệu cơ chế thu hút các tổ chức phi chính phủ nước ngoài của địa phương; tiếp cận với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài nhằm thông tin cho họ về những khu vực của Đà Nẵng cần các nguồn lực hỗ trợ.

Cơ hội hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài

Đánh giá về công tác phi chính phủ nước ngoài thời gian qua, Phó Chủ tịch phụ trách kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Đôn Tuấn Phong cho biết, với tư cách là cơ quan đầu mối và vận động viện trợ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã nỗ lực tăng cường mở rộng hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, vận động nguồn lực tài chính nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội.

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam liên tục đề xuất với Đảng, Chính phủ các chủ trương, chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã phê duyệt Chương trình vận động quốc gia về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài các giai đoạn 2006-2010, 2013-2017. Hiện nay, Liên hiệp đang đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chương trình quốc gia cho giai đoạn tiếp theo.

Đánh giá Chương trình vận động quốc gia về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài là một văn bản có tính định hướng, ưu tiên đối với hoạt động viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, ông Đôn Tuấn Phong cho rằng, nội dung Chương trình nêu rõ những ưu tiên, nhu cầu của Việt Nam từ các bộ, ngành, địa phương. Qua đó, khuyến khích các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đầu tư, hỗ trợ trong các lĩnh vực này để phối hợp với các nguồn lực của Nhà nước từ Trung ương tới địa phương.

Nhờ vậy, công tác vận động viện trợ đã đạt được những kết quả nhất định. Từ năm 1996-2017, tổng giá trị viện trợ phi chính phủ nước ngoài giải ngân giúp Việt Nam ước đạt khoảng trên 4,1 tỷ USD. Đây là một nguồn lực có ý nghĩa, giúp giải quyết một phần khó khăn về kinh tế- xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực giảm nghèo, phát triển bền vững ở những ngành, lĩnh vực, địa phương có dự án.

Trong bối cảnh nguồn viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài ngày càng giảm, Phó Chủ tịch phụ trách Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Đôn Tuấn Phong nhận định, dù đã trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp nhưng Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn và thách thức chưa được giải quyết triệt để như: hậu quả chiến tranh kéo dài; một số nhóm đặc biệt gồm người có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa...

Cùng với đó là chênh lệch vùng miền, đời sống của nhân dân một số địa bàn còn rất khó khăn, một số tác động mang tính phi truyền thống như tác động của biến đổi khí hậu, những biến đổi xuyên biên giới... Tất cả những khó khăn, thách thức này cho thấy vẫn có cơ hội cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài với tư cách là các đối tác tiếp tục cùng chia sẻ với Việt Nam.

Thu Phương (TTXVN)
Cần có chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện cho hoạt động phi chính phủ nước ngoài
Cần có chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện cho hoạt động phi chính phủ nước ngoài

Sáng 5/7, tại Hà Nội, Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động giai đoạn từ 1996-2017. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN