Nhiều bất cập, vướng mắc trong hoạt động y tế cơ sở
Cho ý kiến về lĩnh vực y tế dự phòng, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho rằng, nhiệm vụ phát triển y tế dự phòng là thách thức lớn nhất trong giai đoạn hiện nay. Theo đại biểu, trạm y tế xã, phường có hai nhiệm vụ: thứ nhất là tiêm chủng, phòng, chống dịch, giáo dục, tuyên truyền; thứ hai là điều trị, chăm sóc sức khỏe người bệnh, quản lý các bệnh mãn tính, sơ cứu, cấp cứu tại cộng đồng. Tuy nhiên, nhiệm vụ thứ hai "ngày càng teo tóp, khiến cho việc hoàn thành trở nên bội phần khó khăn so với trước".
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề xuất thử nghiệm mô hình mới: “Cần phải coi trạm y tế xã, phường là phòng khám của trung tâm y tế quận, huyện. Các tiêu chuẩn con người là tương đương nhau ở cả người bệnh và nhân viên y tế. Các bác sĩ trung tâm y tế quận, huyện sẽ có buổi khám ngoại trú cố định ở các xã, phường, đặc biệt là các bệnh mãn tính không lây nhiễm như huyết áp, đái đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; khám về ngoại sản, nhi để tư vấn cho người bệnh đi khám chữa đúng địa chỉ”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói.
Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Lân Hiếu và cho rằng, cần nâng cao chất lượng các trạm y tế xã, phường, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) cho biết, đến năm 2022, cả nước có trên 80% trạm y tế xã thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 100% đơn vị cấp huyện có trung tâm y tế và 99,6% xã, phường, thị trấn có trạm y tế. Tuy nhiên, Báo cáo của Đoàn Giám sát cho thấy còn nhiều bất cập, vướng mắc, khó khăn trong hoạt động y tế cơ sở.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy chỉ rõ việc thiếu hướng dẫn cụ thể đã dẫn tới tình trạng không thống nhất, có sự khác nhau về mô hình tổ chức của trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã. “Điều kiện về thuốc, trang thiết bị y tế tại trạm y tế xã chưa bảo đảm để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Do đó, tỷ lệ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã trên tổng số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở tất cả các cấp chuyên môn kỹ thuật trên toàn quốc giảm từ 19,8% năm 2017 xuống còn 14,6% năm 2022” đại biểu Nguyễn Văn Huy nêu cụ thể. Ông cho rằng đây là điều rất đáng suy nghĩ để có những giải pháp khắc phục.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy cũng đề cập đến tình trạng nhân lực và năng lực y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; chế độ đãi ngộ cho cán bộ, nhân viên y tế còn nhiều bất cập.
Khẳng định cần phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đại biểu Nguyễn Văn Huy lưu ý, cần thể chế rõ phạm vi của y tế tuyến huyện, y tế tuyến xã và y tế thôn, bản gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng tuyến. Đồng thời, xác định mối quan hệ giữa các tuyến y tế hiện nay được quy định tại Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.
Đặc biệt là, phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ tuyến y tế cơ sở với 3 cấp chuyên môn kỹ thuật: Ban đầu, cơ bản và chuyên sâu. Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và tổ chức hệ thống trạm y tế xã, phường, thị trấn phù hợp với quy mô, cơ cấu dân số, điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân. Việc tổ chức hoạt động của trạm y tế xã cần gắn với đẩy mạnh quản lý toàn diện sức khỏe cá nhân, quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm, dinh dưỡng cộng đồng; gắn hoạt động của y tế học đường với trạm y tế xã.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Văn Huy cho rằng, cần quan tâm đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế chi trả của quỹ bảo hiểm y tế theo hướng tăng chi cho y tế cơ sở; đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cơ sở, nhất là nhân lực làm việc tại trạm y tế xã; thực hiện điều động, luân phiên hợp lý bác sĩ, cán bộ y tế để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã.
Về tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển việc, theo đại biểu Nguyễn Văn Huy, cần có giải pháp tăng thu nhập, bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng và phát triển bản thân đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở nói riêng, tương xứng với đặc thù công việc và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Dịch COVID-19 tạo ra những hoàn cảnh chưa có tiền lệ
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID -19, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đồng tình với đánh giá của Đoàn giám sát nêu: “Quốc hội trân trọng sự chung sức đồng lòng của nhân dân và những cá nhân, tập thể đã đóng góp vào công cuộc phòng, chống COVID”; khẳng định, đây là thông điệp lớn lao và đầy ý nghĩa về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tình thương. Đại biểu đề nghị, các cơ quan chức năng thanh quyết toán kinh phí phòng, chống dịch cho các lực lượng, các địa phương, các đơn vị; làm tốt hơn nữa công tác biểu dương, khen thưởng cho các đơn vị, cá nhân tham gia phòng, chống dịch.
Đề cập đến những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, thậm chí có những sai phạm xảy ra trong những lĩnh vực rất ít có sai phạm như nghiên cứu khoa học, nghiệm thu, chuyển giao công nghệ, đại biểu nêu ý kiến: “Tham ô, tham nhũng trong hoạt động phòng, chống dịch cần xử lý thật nghiêm khắc nhưng cũng cần xem xét thật có lý, có tình, thật công bằng với những ai không phải vụ lợi mà vì để kịp thời chống dịch nhằm phục vụ lợi ích của cộng đồng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, của Quốc hội”.
Đại biểu đề nghị ngừng nghiên cứu sản xuất vaccine phòng COVID-19 Việt Nam vì đã quá muộn để nghiên cứu sản xuất loại vaccine này mà cần tìm mua loại vaccine tốt, giá cả hợp lý và số lượng đủ để tiêm phòng cho nhân dân.
Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) bày tỏ thống nhất với các nội dung của Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội. Từ góc độ tham gia giám sát nội dung này tại địa phương, đại biểu cho rằng, dịch COVID-19 tạo ra những hoàn cảnh chưa có tiền lệ, nhiều vấn đề phát sinh chưa có quy định hoặc nếu có sự hướng dẫn cũng chưa được thống nhất, đồng bộ…
Do vậy, theo đại biểu, việc giải quyết tại thời điểm hiện tại phải đặt trong bối cảnh này để có hướng xử lý sao cho phù hợp. Nêu ví dụ cụ thể ở địa phương trong quá trình phòng, chống dịch, đại biểu cho biết, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ có nhiều văn bản hướng dẫn việc sử dụng nguồn kinh phí vận động, trong đó, cho phép đối với các tỉnh có dịch bệnh phức tạp, ưu tiên kinh phí vận động cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương, chỉ ngoại trừ nguồn ủng hộ có ghi rõ mua vaccine; sau đó sẽ nộp số tiền còn lại về Quỹ Vaccine phòng, chống dịch COVID- 19 của Trung ương, thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã sử dụng nguồn kinh phí vận động này để ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Từng nội dung sử dụng, phân bổ kinh phí phòng, chống dịch đều có báo cáo xin ý kiến và trình Thường trực Tỉnh ủy phê duyệt.
Tuy nhiên, qua kết luận của Kiểm toán Nhà nước, căn cứ theo hướng dẫn của Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phải nộp về Quỹ Vaccine phòng, chống dịch COVID-19 Trung ương toàn bộ số tiền theo mức 80% tổng số tiền vận động cho công tác phòng, chống dịch. Trong khi đó, nguồn kinh phí vận động này của tỉnh đã chi cho công tác phòng, chống dịch, hiện chỉ còn ít, không thể nộp đủ theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước.
“Nhiều tỉnh rơi vào tình trạng khó khăn tương tự. Tôi đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có tổng hợp tình hình chung của các địa phương để phối hợp cùng với Chính phủ có biện pháp tháo gỡ khó khăn này”, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đề xuất.