81 người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng
Trong những tháng đầu năm 2020, mặc dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, đã tác động tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng, nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, tập trung khắc phục khó khăn, vừa chủ động phòng, chống dịch bệnh, vừa tích cực, khẩn trương chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Theo báo cáo, có 81 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; đã xử lý kỷ luật 62 người (tăng 66,1% so với năm 2019); trong đó có 12 người bị xử lý hình sự khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
Các Cơ quan điều tra trong Công an đã thụ lý điều tra 508 vụ án, hơn 1.000 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 286 vụ, 606 bị can (tăng 15 vụ, 58 bị can so với cùng kỳ năm 2019). Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã giải quyết 218 vụ/621 bị can, đạt 74,1 %, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 8 vụ với hơn 1.000 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 203 vụ với 523 bị cáo về các tội tham nhũng, so với cùng kỳ năm trước thụ lý giảm 21 vụ.
Về kết quả thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, đối với vụ án hình sự về kinh tế tham nhũng đã thi hành án với số tiền là hơn 11.390 tỷ đồng (chiếm 23,25% tổng số tiền có điều kiện thi hành).
Đối với những vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, tổng số tiền phải thi hành án là hơn 74 nghìn tỷ đồng, số đã thi hành xong là hơn 19 nghìn tỷ đồng, còn phải thi hành là hơn 55 nghìn tỷ đồng. Riêng những tháng đầu năm 2020, đã thi hành được số tiền hơn 10 nghìn tỷ đồng.
Theo báo cáo, nhìn chung, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm mặc dù vẫn còn phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và tinh vi hơn, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi. Dự báo trong thời gian tới, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ tiếp tục đạt được kết quả toàn diện, tích cực, đậm nét; tham nhũng bước đầu được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
Giảm 3,19% số vụ phạm pháp hình sự so với cùng kỳ năm 2019
Về công tác phòng, chống tội phạm, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong thời gian qua, các lực lượng Công an đã triệt phá 2.485 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó đã trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tạo được chuyển biến tích cực. Công tác phòng ngừa, đấu tranh đã góp phần làm giảm 3,19% số vụ phạm pháp hình sự so với cùng kỳ năm 2019.
Lực lượng chức năng đã phát hiện 17.887 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 25,19%); 228 vụ, 492 bị can phạm tội về tham nhũng; 23 vụ, 158 bị can phạm tội về chức vụ bị khởi tố. Có 19.2 vụ vi phạm pháp luật về môi trường được phát hiện; cơ quan điều tra đã khởi tố 347 vụ, 357 bị can.
Về tội phạm ma túy, Công an đã phát hiện 24.842 vụ, 40.461 đối tượng, thu giữ trên 580kg heroin, gần 3,2 tấn và gần 1,7 triệu viên ma túy tổng hợp. Tuy nhiên, tội phạm về ma túy vẫn diễn biến phức tạp; hoạt động của tội phạm ma túy xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài giảm, song ma túy tổng hợp từ Lào, Campuchia được vận chuyển vào Việt Nam tiếp tục có xu hướng gia tăng...
Bên cạnh kết quả đạt được, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực còn một số tồn tại, thiếu sót, chưa theo kịp với sự phát triển của tình hình, còn sơ hở cho tội phạm lợi dụng hoạt động. Còn để xảy ra vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm...
Các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá trên nhiều lĩnh vực. Tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng ngày càng nghiêm trọng. Hoạt động nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 tái bùng phát.
Thượng tướng Lê Quý Vương cũng cho biết, thời gian tới, Công an sẽ mở các cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm; tập trung đấu tranh với tội phạm có tổ chức, tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để gây án, tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
“Chủ động phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm kinh tế, buôn lậu, tham nhũng, chức vụ; tội phạm về môi trường, ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19” - Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng.