Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nêu rõ, quá trình thực hiện Nghị quyết liên tịch số 05 ngày 21/4/2006 giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc ban hành Quy chế "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư" diễn ra trong thời điểm quan trọng, khi toàn Đảng, toàn dân đang ra sức phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước theo tinh thần Đại hội X của Đảng, những thành tựu to lớn mà đất nước đạt được sau 20 năm đổi mới trên tất cả các lĩnh vực.
Từ thực tiễn triển khai thực hiện, có thể khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, được đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm, đồng tình và hưởng ứng.
Ông Ngô Sách Thực cho biết, do có nhận thức đúng đắn về chủ trương MTTQ Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư nhằm góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, trong sạch, vững mạnh, nên cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở các địa phương được chọn làm điểm đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, tạo điều kiện tích cực, nghiêm túc, qua đó phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong quá trình triển khai thực hiện.
Đặc biệt, đối với MTTQ Việt Nam các cấp, hoạt động giám sát của Mặt trận và các tổ chức thành viên ở cơ sở đã có cơ chế nhất định, thiết thực và cụ thể. Hoạt động giám sát này là dịp để giúp cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức trên địa bàn cấp xã nắm chắc hơn tình hình cán bộ, công chức, đảng viên thuộc diện mình quản lý, kịp thời xử lý những sai phạm, ngăn chặn và phòng ngừa những hiện tượng tiêu cực; đồng thời có hướng bồi dưỡng, xây dựng văn hóa công vụ của cán bộ, công chức, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Chia sẻ về thực trạng giám sát đảng viên, cán bộ, công chức trên địa bàn, Trưởng ban Dân chủ và Pháp luật, Mặt trận Tổ quốc Việc Nam TP Hồ Chí Minh Lý Ngọc Thạch dẫn chứng: Có những đảng viên tuy hộ khẩu ở nơi cư trú, nhưng lại sinh sống nơi khác, chỉ cuối năm mới chạy về nơi có hộ khẩu xin chi bộ, MTTQ nhận xét. Mặt khác, nhiều đảng viên tại cho thuê nhà ở nơi cư trú, sinh hoạt Đảng ở nơi khác nhưng không chuyển nhận xét đảng viên về nơi cư trú, gây khó khăn cho công tác giám sát của MTTQ.
Đáng chú ý, việc giám sát kê khai tài sản của đảng viên, cán bộ, công chức là rất khó khăn; bởi việc kê khai tài sản chỉ được niêm yết tại nơi làm việc. Như vậy rất khó để nhân dân biết được tài sản của đảng viên, cán bộ đó là bất minh hay không. Để giải quyết vấn đề này, vừa qua, MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị đảng viên, cán bộ phải có trách nhiệm tiếp thu và trả lời các kiến nghị của MTTQ, của nhân dân. Nếu đảng viên, cán bộ không đồng ý kiến nghị của Mặt trận, Mặt trận sẽ tổ chức đối thoại.
Từ góc độ khác, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình Phạm Đăng Nguyên, một trong năm địa phương thực hiện thí điểm việc giám sát đảng viên, cán bộ, công chức tại nơi cư trú cho hay: Tỉnh đã tổ chức giám sát bằng cách lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu. Ngoài bốn chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND, HĐND, Ninh Bình còn mở rộng lấy phiếu tín nhiệm các chức danh các ngành địa chính, tài chính, thương binh - xã hội, văn hóa. Sau 3 năm thực hiện (2007-2009), việc lấy phiếu tín nhiệm thu hẹp về 4 chức danh ban đầu. Tuy nhiên, việc lấy phiếu tín nhiệm là rất tích cực, được nhân dân đánh giá cao.
Đánh giá cao Nghị quyết liên tịch số 05, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Bùi Anh Tuấn nhận định đây là chủ trương phát huy dân chủ ở cơ sở, quyền, trách nhiệm của người dân trong xây dựng Đảng, chính quyền, giúp hệ thống đảng viên, cán bộ công chức nâng cao ý thức trách nhiệm khi thực thi công vụ.
Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là vấn đề nguồn lực và nhân lực thực hiện. Thực tế hiện nay, chất lượng nguồn lực chưa tương xứng với số lượng, cơ cấu, đối tượng tham gia; việc tuyên truyền chưa đủ sâu đến các đối tượng, kể cả chủ thể lẫn đối tượng dẫn đến cơ chế phối hợp giữa Mặt trận và hệ thống chính quyền còn hạn chế… Vì vậy, cần có cơ chế, quy trình, cách thức giám sát phù hợp với từng đối tượng...