Giám sát thực hiện chính sách phòng, chống xâm hại trẻ em tại An Giang

Ngày 7/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang do Phó trưởng đoàn Phan Huỳnh Sơn làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh An Giang về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em giai đoạn 2015 - 2019.

Chú thích ảnh
Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Phan Huỳnh Sơn phát biểu tại buổi làm việc. 

Ông Phan Huỳnh Sơn - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh lưu ý các cấp, các ngành của tỉnh cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân gia đình, pháp luật về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em và pháp luật về phòng chống xâm hại tình dục cho đồng bào dân dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn... Qua đó nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt là phòng, chống xâm hại tình dục; phòng ngừa, phát hiện và trợ giúp kịp thời những trẻ em bị tổn hại; cung cấp, kết nối các dịch vụ xã hội kịp thời, có chất lượng cho trẻ em và gia đình của trẻ em. Các cấp, các ngành cần xây dựng và ban hành “Quy trình phối hợp, hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bao lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn tỉnh An Giang”.

Đồng thời, tỉnh cần tăng cường hướng dẫn lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an xã làm tốt công tác nắm tình hình liên quan đến an ninh trật tự tại địa bàn; thực hiện tốt công tác quản lý giáo dục đối tượng, rà soát, lên danh sách những đối tượng có điều kiện, khả năng phạm tội xâm hại trẻ em, mua bán người để chủ động quản lý và theo dõi. Tỉnh tiếp tục xây dựng các mô hình bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em phù hợp với tình hình địa phương, phù hợp với các nhóm đối tượng; phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ trẻ em nhằm thu hút sự tham gia một cách tích cực, tự giác của nhân dân trong các hoạt động vì trẻ em ở địa phương; tích cực tố giác các hành vi vi phạm quyền trẻ em với cơ quan chức năng, phản ánh các vấn đề mất an toàn, gây tổn hại cho trẻ em với chính quyền địa phương…

Các thành viên đoàn giám sát cho rằng, hiện tình hình trẻ em bị xâm hại đang diễn biến phức tạp, đối tượng phạm tội với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, để lại tổn hại nặng nề cho trẻ em và xã hội. Bên cạnh đó, việc phát hiện, báo cáo thông tin về hành vi xâm hại trẻ em còn chậm, chưa kịp thời. Một số gia đình nạn nhân và gia đình của đối tượng còn tự thỏa hiệp bồi thường, khi không tự thỏa hiệp được mới trình báo các cơ quan chức năng. Nhiều trường hợp chưa kịp thời thu thập vật chứng cần thiết để giao cho cơ quan Công an, tạo điều kiện để người phạm tội có đủ thời gian xóa dấu vết hoặc lẩn trốn. Do đó, theo các đại biểu Quốc hội cần nâng cao nhận thức, xử lý nghiêm các vụ việc để làm gương, làm rõ nguyên nhân để hạn chế các vụ xâm hại trẻ em.

Lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh An Giang kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát chuyên đề việc thực hiện pháp luật về bảo vệ trẻ em và việc thực hiện điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc xâm hại đối với trẻ em; sửa đổi một số điều luật phù hợp với tình hình thực tế. Điển hình như tội "Giao cấu với người dưới 16 tuổi", tội "Dâm ô với người dưới 16 tuổi", Bộ luật Hình sự mới chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với người đã thành niên phạm tội còn người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội thì không có căn cứ xử lý hình sự; bổ sung vào Bộ luật Hình sự một số tội danh như tội “Quấy rối tình dục trẻ em”; đối với tội “Dâm ô với người dưới 16 tuổi” cần có hướng dẫn cụ thể để xử lý hình sự đối với một số hành vi liên quan đến việc xâm phạm tình dục trẻ em chưa được điều chỉnh bằng pháp luật hình sự. Cùng với đó cần có cơ chế quản lý hoặc là chế tài kèm theo đối với tội phạm liên quan đến việc xâm hại tình dục trẻ em sau khi mãn hạn tù ở cộng đồng dân cư...

Theo báo cáo của UBND tỉnh An Giang, toàn tỉnh có 463.747 trẻ em. Giai đoạn 2015-2019, số trẻ em bị xâm hại là 198 trẻ (191 trẻ bị xâm hại là nữ, 7 trẻ bị xâm hại là nam), trong đó có 147 trẻ bị xâm hại tình dục, 1 trẻ bị xâm hại bằng hành vi bạo lực, 1 trẻ bị mua bán và 49 trẻ bị xâm hại bằng các hình thức khác...Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh An Giang đã thụ lý 196 vụ với 200 bị cáo; giải quyết 187 vụ với 190 bị cáo.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang Châu Văn Ly cho biết, với diễn biến như hiện nay cho thấy, mọi trẻ em trong cộng đồng đều có nguy cơ bị xâm hại tình dục, nhất là những trẻ sống trong các gia đình khó khăn, ở khu vực nông thôn, kể cả trẻ em ở vùng thành thị. Trẻ có thể gặp phải nguy cơ xâm hại tình dục ở bất cứ nơi đâu, có thể là trên sân chơi, ở trường học, nhà người thân quen, hay thậm chí trong chính nhà của mình.

Kết quả thống kê từ các ngành chức năng trong tỉnh cho thấy, trẻ em bị xâm hại với nhiều hình thức, có thể xếp theo các tội danh như: tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người đủ từ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội dâm ô người dưới 16 tuổi...Độ tuổi của người bị xâm hại dưới 10 tuổi có chiều hướng gia tăng, có vụ bị hại chỉ mới 6 tuổi. Đôi khi việc xâm hại diễn ra trong một thời gian dài, thậm chí kéo dài nhiều tháng, nhiều năm. Đối tượng xâm hại tình dục đối với trẻ em rất đa dạng, ở nhiều thành phần khách nhau, đa số là người có quan hệ gần gũi, là người quen, người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em...

Tin, ảnh: Công Mạo (TTXVN)
Giám sát việc thực hiện phòng, chống xâm hại trẻ em tại Đà Nẵng
Giám sát việc thực hiện phòng, chống xâm hại trẻ em tại Đà Nẵng

Ngày 4/10, Đoàn giám sát của Quốc hội do bà Lê Thị Nga, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm trưởng đoàn đã làm việc với các ban, ngành của thành phố Đà Nẵng về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố giai đoạn 2015 - 2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN