Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ là người dân tộc thiểu số

Chiều 6/9, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, giai đoạn 2016 - 2023”, làm việc với Ủy ban Dân tộc và Bộ Nội vụ.

Đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số phát triển về nhiều mặt

Đánh giá cao trách nhiệm của hai cơ quan trong xây dựng báo cáo phục vụ giám sát, chuẩn bị nội dung và cử đại diện lãnh đạo làm việc với Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, thời gian qua, đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số các cấp đã có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt. Chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo đúng chủ trương, đường lối, các nghị quyết của Trung ương, trong đó có Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX và Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XII về công tác dân tộc trong tình hình mới.

Để xem xét, đánh giá đầy đủ, khách quan việc thể chế hóa chủ trương của Đảng, xây dựng và hoàn thiện quy định pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dân tộc thiểu số thời gian qua, đồng thời nghiên cứu, đề xuất giải pháp hiệu quả thúc đẩy công tác này, xác định đây là cơ sở quan trọng trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc, ngày 25/5/2024, Hội đồng Dân tộc đã quyết định giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, giai đoạn 2016 - 2023”.

Một trong những mục tiêu quan trọng của Đoàn giám sát lần này là trả lời câu hỏi về tính thích hợp, đúng đắn, hiệu quả đo lường được của các chính sách, xác định cơ sở, phạm vi, nội dung cần đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan liên quan giải pháp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về công tác tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng đội ngũ này đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của hệ thống chính trị và công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế. Qua đó, góp phần hoàn thiện và khẳng định việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc là chính sách tốt, ưu việt của Đảng và Nhà nước ta.

Qua giám sát sơ bộ của Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc cho biết, nhìn chung, công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số đã được các cấp, các ngành quan tâm, hoạch định, tổ chức triển khai bám sát các quan điểm, nguyên tắc của Đảng, ngày càng đi vào nền nếp, đạt kết quả quan trọng.

Quốc hội, Chính phủ và các địa phương đã ban hành nhiều chính sách pháp luật về phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dân tộc thiểu số, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đảm bảo các chế độ, chính sách, duy trì công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, công bằng, công khai, minh bạch, khoa học và dân chủ.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức mới cho cán bộ dân tộc thiểu số được quan tâm, từng bước gắn với việc quy hoạch và sử dụng cán bộ. Ở nhiều địa phương, nhất là khu vực miền núi phía Bắc có tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số gắn với yêu cầu theo Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới của Thủ tướng Chính phủ.

Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, có cơ cấu tính đến nguồn cán bộ dân tộc thiểu số. Một số địa phương có thêm chính sách ưu tiên cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp xã, vùng đặc biệt khó khăn, cán bộ dân tộc thiểu số rất ít người.

“Tuy nhiên, qua giám sát trực tiếp và xem xét các báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, có thể thấy công tác cán bộ dân tộc thiểu số còn một số vấn đề tồn tại cần nghiên cứu làm rõ và đưa ra phương án giải quyết như là vấn đề thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các nghị quyết của Quốc hội”, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm nói.

Đoàn giám sát làm việc với Bộ Nội vụ, Ủy ban Dân tộc với mục tiêu xem xét, đánh giá đầy đủ, khách quan việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về công tác cán bộ dân tộc thiểu số, kết quả đạt được trong công tác cán bộ dân tộc thiểu số thuộc phạm vi, thẩm quyền của Bộ Nội vụ là cơ quan tham mưu, Ủy ban Dân tộc là cơ quan thực hiện chính sách dân tộc, cũng như những bất cập, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.

Qua đó có cơ sở thực tiễn đề nghị cấp có thẩm quyền khắc phục các tồn tại, hạn chế, kịp thời điều chỉnh, xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả, tính đúng đắn, phù hợp của chính sách pháp luật đối với công tác cán bộ dân tộc thiểu số trong giai đoạn mới.

Điểm nghẽn là công tác đào tạo

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đã nêu ra một số nội dung đề nghị Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc làm rõ, trọng tâm là việc tham mưu, trình Chính phủ ban hành và xây dựng văn bản, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; việc tổ chức triển khai chính sách pháp luật về công tác cán bộ dân tộc thiểu số…

Báo cáo của Ủy ban Dân tộc cho thấy, số lượng biên chế được giao giai đoạn 2022 - 2026 là 959 công chức, viên chức. Số cán bộ, công chức, viên chức có mặt tính đến thời điểm hiện nay là 876 người, trong đó có 149 người là người dân tộc thiểu số, chiếm 17%.

Thực hiện Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới theo Quyết định số 402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2018 - 2022, Ủy ban Dân tộc đã giao Học viện Dân tộc chủ trì tổ chức 100 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho hơn 2 nghìn lượt giảng viên và báo cáo viên; tổ chức 259 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho 6.8 học viên là cán bộ, công chức, viên chức thuộc nhóm đối tượng 3 và đối tượng 4 của bộ, ngành, địa phương.

Việc thực hiện các văn bản quy định; quản lý biên chế công chức; tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức được Ủy ban Dân tộc thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, quy định.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, mỗi ngành, mỗi địa phương đều có nhiều nỗ lực thực hiện nhưng chính sách hỗ trợ cho cán bộ dân tộc thiểu số để cán bộ phát huy được là rất khó khăn.  

Điểm nghẽn quan trọng nhất vẫn là công tác đào tạo. Thiếu hệ thống cơ chế về tuyển dụng, quy hoạch bồi dưỡng để đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số khi được tuyển dụng vào có đầy đủ điều kiện phát huy, trưởng thành.

Bà Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thừa Thiên - Huế, thành viên Đoàn giám sát đề nghị Bộ Nội vụ làm rõ một số nội dung về chính sách ưu tiên tuyển dụng; chiến lược thu hút sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ; cán bộ là người dân tộc thiểu số tham gia Dự án 600 Phó Chủ tịch xã…

Tiến sỹ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhận định, báo cáo của Ủy ban Dân tộc không nêu được hạn chế, tồn tại, khó khăn trong công tác cán bộ dân tộc thiểu số. Báo cáo của Bộ Nội vụ tương đối đầy đủ theo yêu cầu của Đoàn giám sát.

Bộ này cũng rất cố gắng trong thực hiện các chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Trong đó đáng chú ý là Dự án 600 Phó Chủ tịch xã đã có hơn 60% là người dân tộc thiểu số và Đề án bố trí thanh niên tình nguyện về các xã vùng cao có hơn 50% là con em dân tộc.

 Theo ông Trần Anh Tuấn, trong bối cảnh đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, có cần thay đổi về tư duy cử tuyển.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Cần Thơ phấn đấu năm 2030 cơ bản không còn hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số
Cần Thơ phấn đấu năm 2030 cơ bản không còn hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 29/8, thành phố Cần Thơ tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy nội lực hội nhập và phát triển bền vững”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN