Xử lý báo cáo mất ¼ thời gian làm việc
Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp), thời gian qua, việc triển khai công tác báo cáo đã kịp thời phục vụ hoạt động phân tích, đánh giá, dự báo tình hình trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước, phục vụ kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và tạo cơ sở đánh giá chất lượng hoạt động của các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức. Tuy nhiên, việc thực hiện chế độ báo cáo trong cơ quan hành chính bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, như việc quy định về chế độ báo cáo tại nhiều văn bản nhìn chung chưa có tính hệ thống, thống nhất.
Quy định thiếu rõ ràng, thể hiện sự tùy tiện trong việc đặt ra yêu cầu báo cáo. Số lượng báo cáo nhiều (khoảng 2 triệu báo cáo/năm) kéo theo thời gian xây dựng, xử lý báo cáo chiếm tới 1/4 tổng thời gian làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước, dẫn đến nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện chế độ báo cáo như chậm tiến độ, thiếu đầy đủ, chính xác. Việc phải thực hiện nhiều báo cáo gây không ít khó khăn cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc bố trí cán bộ, thời gian, chi phí thực hiện…
Ông Ngô Hải Phan cho rằng việc cải cách chế độ báo cáo là cần thiết nhằm có thông tin chính xác để hoạch định chính sách, xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, đồng thời góp phần tinh giản biên chế. Muốn vậy phải thực hiện tốt việc xây dựng Chính phủ điện tử, đẩy mạnh việc thực hiện hành chính điện tử, các cơ quan phải giải quyết công việc trên môi trường mạng, từ đó thực hiện “công dân” điện tử.
Đồng tình với quan điểm trên, các đại biểu đều cho rằng báo cáo là công cụ của bộ máy hành chính để thực hiện nhiệm vụ của nền hành chính. Trong bối cảnh cải cách hành chính nói chung và trong điều kiện xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân, thông tin báo cáo là thông tin quan trọng để phản ứng chính sách, đưa ra những quyết sách. Việc thực hiện quá nhiều báo cáo, kéo theo đó là sự thiếu chính xác của các con số - linh hồn của báo cáo, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Cần chia sẻ thông tin báo cáo
Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Tư pháp) Lê Hải Yến cho rằng báo cáo không phải là lĩnh vực quản lý nhà nước mà là công cụ quản lý điều hành. Các cơ quan chịu sự quản lý coi đó là trách nhiệm nhưng nhận thức của cán bộ quản lý và công chức chuyên môn từ trong tâm đã coi báo cáo là gánh nặng. Ý thức trách nhiệm trong tuân thủ báo cáo từ nhận thức là vấn đề.
Theo bà Yến, các thông tin trong báo cáo cần được chia sẻ tối đa giữa các cơ quan với nhau để tận dụng hiệu quả đến mức cao nhất, bởi đây là sản phẩm trung gian của cơ quan hành chính, song phải đảm bảo bí mật nhà nước. "Có hai nguyên nhân dẫn đến phải báo cáo nhiều, đó là do thực tiễn cấp bách trong lĩnh vực nào đó, cần phải báo cáo, nhưng cũng do bo bo thông tin, không chia sẻ với nhau nên bắt bộ, ngành, địa phương phải báo cáo", bà Yến nói.
Chuyên gia Vũ Đình Long, nguyên Cục trưởng Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) nhìn nhận không đơn giản hóa, kiểm soát được báo cáo sẽ phải sử dụng những con số “rởm”. Vấn đề yếu nhất hiện nay là hệ thống thông tin báo cáo, mỗi nơi một kiểu, kỷ luật báo cáo thấp. Chỉ khi quy trách nhiệm cá nhân mới kiểm soát được và có con số kịp thời, chính xác. Chuyên gia này cho rằng muốn xử lý được các vấn đề trên, phải có “5M” là mẫu, mã, mới, minh (minh bạch, rõ ràng) và mạnh. Báo cáo phải “3 không” là không dài dòng, không được tản mạn và không quá hạn. Phải tính đến hệ thống thông báo tự động để nhắc nhở công tác báo cáo.
Theo chuyên gia Phạm Tuấn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, việc chỉ ra được nguyên nhân của những hạn chế trong thực hiện chế độ báo cáo sẽ là tiền đề để hiện đại hóa nền hành chính, giải quyết được lỗi hệ thống hiện nay. Để nâng cao chất lượng của báo cáo, Đề án phải nêu rõ báo cáo là gì, nội dung và tính chất của báo cáo, hình thức báo cáo và mẫu báo cáo...