Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào, ông Phouvong Ounkhamxeng, cùng đông đảo các thầy cô giáo và học viên của học viện và khách mời là Đại sứ Việt Nam tại Lào, ông Nguyễn Bá Hùng.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Lào, ông Phouvong cho biết mục đích chính của buổi nói chuyện là nhằm phổ biến, tuyên truyền giúp cho thế hệ trẻ của Lào hiểu rõ hơn, nắm chắc và thấm nhuần hơn về ý nghĩa đặc biệt của quan hệ hai nước, để từ đó tiếp tục duy trì và phát triển mối qua hệ này là hết sức quan trọng.
Tại buổi nói chuyện, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng đã ôn lại lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, khẳng định quan hệ đặc biệt của hai nước đã sớm được xây dựng, gìn giữ và phát triển trong suốt thời kỳ dựng nước và giữ nước, đặc biệt trong hơn 8 thập kỷ qua, kể từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời. Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào đã được các lãnh tụ của hai dân tộc là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane trực tiếp đặt nền móng và tiếp tục được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp, trải qua bao biến cố của lịch sử và vượt qua mọi chông gai thử thách, đã trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung hiếm có.
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng nhấn mạnh, việc hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao 60 năm trước là sự kiện vô cùng trọng đại trong lịch sử quan hệ hai nước, đánh dấu mốc phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Lào - Việt Nam. Kể từ đó, vận mệnh của hai dân tộc đã hòa quyện vào nhau, nhân dân của hai nước đã trở thành những người bạn chiến đấu “đồng cam cộng khổ”, những người anh em thân thiết trên mọi trận tuyến.
Sau thắng lợi năm 1975, hòa bình lập lại trên quê hương cho Việt Nam và Lào, quan hệ hai nước bước sang trang mới, kỷ nguyên của hòa bình, độc lập và cùng sánh bước bên nhau, chung tay xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với ý nghĩa sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của quan hệ đó, chính phủ hai nước đã nhất trí ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ngày 18/7/1977. Đây là hiệp ước toàn diện, mang tính chiến lược lâu dài, tạo cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng để củng cố và tăng cường lâu dài tình đoàn kết, mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Đại sứ khẳng định, việc ký hiệp ước là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ giữa hai nước, đồng thời có ý nghĩa quan trọng, nêu cao tinh thần quốc tế trong sáng giữa hai nước.
Đại sứ nhấn mạnh, “nhìn lại chặng đường phát triển quan hệ hai nước 60 năm qua và 45 ký Hiệp ước Hữu nghị hợp tác Việt-Lào, chúng ta đều có quyền tự hào khi nhận thấy tình đoàn kết đặc biệt thủy chung và sự hợp tác toàn diện Việt-Lào đã và đang được củng cố, đổi mới và phát triển sâu rộng, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển của mỗi nước. Mỗi bước tiến của cả hai nước, hai dân tộc ngày hôm nay đều ghi nhận ở đó sự đóng góp tích cực của hai bên, làm cho quan hệ đặc biệt Việt-Lào ngày càng keo sơn, bền chặt và không ngừng đơm hoa kết trái. Chính từ ý nghĩa đó, sự hợp tác toàn diện giữa hai nước trong những năm qua đã giành được những thành tựu to lớn”.
Theo Đại sứ Nguyễn Bá Hùng, với nỗ lực của hai nước, quan hệ Việt Nam - Lào tiếp tục được củng cố và đạt được nhiều kết quả to lớn, phát huy tốt 49 cơ chế hợp tác song phương, đáng chú ý nhất là việc hai nước đã nâng cấp quan hệ trở thành mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện. Đây cũng là quyết định hết sức quan trọng mang tính lịch sử trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Đại sứ nhấn mạnh, trong hai năm qua, hai nước đã đạt được những thỏa thuận có tầm cỡ chiến lược lâu dài như Dự án hợp tác ở cảng Vũng Áng, Cao tốc Hà Nội-Viêng Chăn. Trong đó Dự án hợp tác ở cảng Vũng Áng thực sự thể hiện rõ tình cảm đặc biệt tin cậy và chí tình chí nghĩa giữa hai đồng chí, anh em Lào-Việt Nam, là một dự án "có một mà không có hai" trong hợp tác bình thường giữa hai quốc gia.
Cũng tại buổi nói chuyện, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng đã thẳng thắn chia sẻ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong quan hệ hợp tác giữa hai nước như việc hợp tác kinh tế vẫn chưa xứng tầm với quan hệ chính trị và tiềm năng thế mạnh hai nước…, đồng thời đề xuất một số biện pháp để khắc phục những vấn đề trên.
Chăm chú lắng nghe từng lời chia sẻ của Đại sứ Nguyễn Bá Hùng, chị Lamthien Phoutthidavan, một giảng viên của Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào cho biết chị cảm thấy rất vui khi thấy rằng Lào - Việt trong quá khứ cũng như trong hiện tại luôn kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi bên nhau. Là một giáo viên trẻ, chị cảm thấy mình có trách nhiệm chung tay góp sức để gìn giữ và vun đắp cho mỗi quan hệ này bền vững với thời gian.
Là sinh viên đang theo học tại trường, anh Xengkeo Mixay cảm thấy rất xúc động khi được nghe những chia sẻ thẳng thắn và tâm huyết của Đại sứ Nguyễn Bá Hùng về quan hệ Lào - Việt. Anh cho biết buổi nói chuyện giúp anh hiểu thêm về ý nghĩa đặc biệt của quan hệ Lào - Việt Nam, về tinh thần "hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" của hai nước. Anh thấy mình có trách nhiệm tiếp tục kế thừa và gìn giữ mối quan hệ đoàn kết đặc biệt và chuyển tiếp cho các thế hệ con cháu mai sau.