Đại hội có sự tham dự của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài và lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, tôn giáo bạn.
Góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam
Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, các ý kiến trình bày tại phiên thảo luận của Đại hội rất sôi nổi, tâm huyết, đánh giá những thành tựu đạt được, đồng thời cũng nhìn nhận một cách thẳng thắn những hạn chế còn xảy ra trên mọi phương diện, từ công tác tổ chức điều hành Giáo hội đến công tác tăng sự, hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử, các chuyên môn của Giáo hội. Nhìn nhận lại các kết quả giám sát, kiểm soát các hoạt động sinh hoạt tăng, ni, tự viện để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm và bổ sung vào trong phương hướng hoạt động Phật sự.
Đại hội cũng đã thảo luận 12 mục tiêu lớn trong chương trình hoạt động Phật sự của nhiệm kỳ IX; xác định hoạt động Phật sự đề ra phải phù hợp với thời đại, để lời dạy của Đức Phật đi vào mọi mặt của đời sống xã hội và đạo Phật thực sự là niềm tin vững chắc, là chỗ dựa tinh thần cho tất cả mọi người.
“Với sự đoàn kết, hòa hợp, không phân biệt sơn môn hệ phái, không phân biệt tôn giáo, chúng ta thực sự chung tay đem đến những điều thiện lành cho toàn xã hội. Đó là mục tiêu mà Đại hội đề ra”, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.
Đại hội cũng đã hoàn thành việc suy tôn tấn phong hàng giáo phẩm với 3.342 tăng, ni lên hàng giáo phẩm Hòa thượng, Ni trưởng, Thượng tọa và Ni sư một cách trang nghiêm. Để suy tôn lên hàng giáo phẩm, Đại hội đã làm theo quy trình nhiều bước, từ việc giới thiệu của các Ban Trị sự địa phương cho đến Ban Tăng sự; đồng thời Ban Tổ chức Đại hội tiếp tục rà soát và trình Hội đồng Giám luật của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, sau đó mới chính thức suy tôn.
Đại hội đã tiến hành một cách dân chủ và đúng quy trình, quy định của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Đề án nhân sự của Đại hội. Đức Đệ tứ Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đã được suy tôn, cùng 30 chư tôn trưởng lão trong Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh trong tổng số 112 chư tôn đức của Hội đồng.
Đại hội cũng đoàn kết, dân chủ và nhất tâm suy cử Hòa thượng Thích Thiện Nhơn tiếp tục đảm nhận chức Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; 65 chư tôn đức tăng, ni trong Ban Thường trực Hội đồng Trị sự trong tổng số 235 ủy viên chính thức và 45 ủy viên dự khuyết.
Nghi lễ suy tôn Đức Pháp chủ đệ tứ trang nghiêm, đúng nghi thức tôn giáo. Phó Chủ tịch Hội đồng gồm 21 vị, được cơ cấu theo các hệ phái, các vùng phụ trách để đảm bảo các hoạt động phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn mới được hiệu quả.
Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Đại hội ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp tại Đại hội của tăng, ni, phật tử Việt Nam ở nước ngoài. Trong nhiệm kỳ tới, một trong những nhiệm vụ Đại hội đặt ra là triển khai chặt chẽ việc kết nối với Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài, đưa vào thực tiễn kết quả bước đầu đạt được của bốn đề án lớn của Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội để chung tay góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam theo lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Sửa đổi Hiến chương phù hợp với quy định của pháp luật
Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN liên quan đến việc tu chỉnh Hiến chương Giáo hội, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, điều đặc biệt của Hiến chương lần này là quy định hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 4 cấp, bổ sung thêm cấp cơ sở tự viện. Việc bổ sung thêm cấp cơ sở tự viện để phù hợp với Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các pháp luật liên quan.
“Chùa, các cơ sở tự viện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính là nơi diễn ra mọi mặt hoạt động Phật sự. Chư tăng, ni trụ trì, đồng bào Phật tử sinh hoạt, mọi hoạt động Phật sự đều diễn ra ở chùa và cơ sở tự viện. Do đó, vai trò của vị trụ trì là hết sức quan trọng. Cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở tự viện là trụ trì chịu trách nhiệm trước Giáo hội các cấp và pháp luật Nhà nước về các hoạt động tôn giáo tại cơ sở tự viện. Vì vậy, cơ sở tự viện cần thiết phải được công nhận là tổ chức tôn giáo trực thuộc để tăng cường công tác quản lý”, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết.
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội cho biết thêm, Giáo hội đề ra cấp cơ sở trước hết là để phù hợp với Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, bởi Luật quy định về tổ chức tôn giáo trực thuộc. Hiến chương hiện hành được ban hành trước khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực nên chưa đáp ứng được yêu cầu các cơ sở tự viện phải trở thành cấp cơ sở.
Bên cạnh đó, quá trình tiến hành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức tôn giáo theo quy định của Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ nhiều bất cập trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tự viện chùa Phật giáo khi không được Hiến chương quy định là tổ chức tôn giáo trực thuộc. Hiện nay, Quốc hội, Chính phủ đang dự thảo và lấy ý kiến sửa đổi Luật Đất đai, trong đó có nhiều ý kiến về giao đất cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc… Để Hiến chương phù hợp với các luật liên quan, cần quy định công nhận tổ chức tôn giáo trực thuộc cấp cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Do đó, Hiến chương đã bổ sung thêm Chương VIII về tổ chức cơ sở, trong đó quy định rõ việc thành lập Ban quản trị tự viện.
Về tài sản của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc và của thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho hay, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo xác định các tổ chức tôn giáo có tư cách pháp nhân phi thương mại. Trong quá trình thực hiện 5 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam rất vướng mắc trong việc xác định là tổ chức pháp nhân phi thương mại khi ủy quyền liên quan vấn đề tài sản giữa tổ chức tôn giáo và tổ chức tôn giáo trực thuộc. Hiện chưa có quy định về tài sản của tổ chức tôn giáo trực thuộc, đó là các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp, các tỉnh, thành phố, chùa, cơ sở tự viện, nên việc ủy quyền không thực hiện được.