Giữ vững biển trời Tây Nam của Tổ quốc

 Những ngày đầu năm 2014, chúng tôi có dịp đến vùng biển đảo Tây  Nam  của Tổ quốc cùng đoàn công tác của Vùng 5 Hải quân. Trong tiết trời ấm áp của mùa xuân phương Nam, từ Phú Quốc, Hòn Khoai đến Hòn Chuối, Nam Du... nơi đâu chúng tôi cũng cảm nhận được sự hy sinh thầm lặng nhưng rất cao cả của những người lính bám biển, bám đảo.   

Kiên cường giữ biển, đảo   

Vùng biển Tây Nam do Vùng 5 Hải quân quản lý có chiều dài khoảng 450 km kéo dài từ cửa sông Ghềnh Hào (Bạc Liêu) đến Hà Tiên (Kiên Giang), ranh giới biển tiếp giáp với 4 nước: Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia với tổng diện tích vùng biển khoảng 150.000 km2. Trên vùng biển này có nhiều đảo, quần đảo lớn như: Phú Quốc, Hòn Rái, Hòn Nghệ,  Thổ Chu , Nam  Du... rất thuận lợi cho phát triển nghề đánh bắt, nuôi trồng hải sản, du lịch, dịch vụ nghề cá.   

Các cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân luôn xác định rõ nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa Tổ quốc, giữ vững vùng biển hòa bình, ổn định cho ngư dân làm ăn trên biển... Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được Nhà nước tặng thưởng 3 Huân chương Quân công hạng Nhất, Bộ Quốc phòng và Bộ tư lệnh Hải quân tặng cờ "Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Quyết thắng" liên tục từ năm 1999 đến 2013...

Trước giờ ra khơi đến các đảo xa, chúng tôi đã có dịp đón xuân sớm cùng cán bộ, chiến sĩ Hải đội 511 tại Quân cảng An Thới - Phú Quốc. Cùng với việc chuẩn bị mai vàng, lá dong gói bánh tại doanh trại, các chiến sĩ tất bật trang trí, vệ sinh, kiểm tra vũ khí, khí tài cho con tàu của mình như mới hơn, đẹp hơn, kiêu hùng hướng ra biển sẵn sàng làm nhiệm vụ trong mọi tình huống.   

Trung úy Hồng Văn Chung, Thuyền trưởng tàu HQ 470, sinh năm 1984, quê ở Sóc Trăng nhưng từ khi tốt nghiệp Học viện Hải quân và xuống tàu (năm 2010) đến nay, anh chưa lần nào đón Tết ở quê nhà. Anh tâm sự: "Đó là việc hết sức bình thường của người lính, nhất là người lính Hải quân trực chiến ở tàu như tôi. Càng gần Tết, chúng tôi càng tuân thủ nghiêm túc công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển đảo, để bà con đón Tết ở đất liền được vui hơn...".

Gặp những người lính hải quân đóng quân trên các đảo, chúng tôi càng thêm cảm phục ý chí kiên cường vượt khó bám đảo, bám biển. Tại đại đội pháo cao xạ 24 - đảo Thổ Chu, chúng tôi gặp Trung úy Phan Văn Luân, Trung đội trưởng Trung đội 2 - người con của miền biển Hậu Lộc, Thanh Hóa.   

Năm nay là năm thứ tư Luân đóng quân trên đảo và là năm thứ hai anh đón Tết cùng anh em trên đảo.Tuy xa quê nhưng Luân không cảm thấy buồn vì năm nay được Chỉ huy đơn vị tạo điều kiện, Luân đã đón vợ con từ quê vào, chính thức trở thành công dân của đảo Thổ Chu. Anh Luân chia sẻ: Nhập ngũ rồi trở thành lính Hải quân, anh đã xác định "đảo là nhà, biển cả là quê hương" nên anh đã quen với sóng to, gió lớn cũng như cuộc sống đầy gian lao, vất vả ở đảo.

Với đặc thù của người lính phòng không hải quân, anh em trong trung đội tổ chức đón xuân, vui Tết nhưng vẫn đảm bảo trực chiến 24/24h... Tại đảo Thổ Chu, chúng tôi còn được gặp bác sĩ - trung úy Đinh Văn Sức, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Quân dân y trên đảo.

Năm nay, vì nhiệm vụ, anh cũng không về quê (Thanh Liêm, Hà  Nam). Ngày giáp Tết, công việc của anh càng thêm bận rộn vì ngoài việc khám, điều trị cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đóng quân trên đảo, bệnh xá do anh phụ trách còn đảm nhiệm việc chăm sóc sức khỏe cho người dân trên đảo cũng như ngư dân đánh cá trên biển. Mỗi ngày, Bệnh xá quân dân y đảo Thổ Chu khám, điều trị trung bình 10 đến 15 bệnh nhân, trong đó gần 50% số bệnh nhân là ngư dân và người dân trên đảo.   

Anh phấn khởi thông báo: nhờ được bổ sung nhân lực, phương tiện kỹ thuật nên hiện nay Bệnh xá đã đảm trách được nhiều ca bệnh khó mà trước đây không giải quyết được tại chỗ như: mổ ruột thừa, mổ sản, cấp cứu nội khoa... Tết này, anh em trong bệnh xá vẫn trực cấp cứu như những ngày thường để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho bộ đội cũng như bà con trên đảo, góp phần giữ vững biển đảo quê hương. Trong hải trình thăm các đảo trên vùng biển Tây Nam, chúng tôi cũng gặp Thượng úy Nguyễn Văn Hoài - một trong 3 quân nhân chuyên nghiệp có thâm niên đóng quân lâu nhất tại Trạm ra đa 600 trên đảo Hòn Lớn thuộc quần đảo Nam Du (xã An Sơn, huyện Kiên Hải, Kiên Giang).

Trong ca trực ngày cận Tết, anh vẫn tỉ mỉ theo dõi trên màn hình từng biến động nhỏ nhất của vùng biển được giao theo dõi, quản lý. Đã hàng chục năm nay, năm nào anh cũng vui vẻ nhận nhiệm vụ trực Tết, anh cho biết: Càng gần Tết càng phải nêu cao cảnh giác, đề phòng sự xâm nhập của tàu lạ nước ngoài. Ý thức được trách nhiệm của người lính ra đa nơi biển tiền tiêu, khi bước vào phòng trực, tất cả chỉ còn nghĩ đến công việc và nhiệm vụ... 

Thắm đượm tình quân dân 
  

Khác với một số vùng biển dọc theo dải đất hình chữ S, trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam, ngoài lực lượng Hải quân còn có chính quyền cơ sở, bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Kiểm lâm... Mỗi lực lượng đều có nhiệm vụ đặc thù nhưng đều mang một nhiệm vụ chung: Giữ vững an ninh trật tự, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.   


Là nòng cốt của các lực lượng gìn giữ, bảo vệ chủ quyền vùng biển, cán bộ, chiến sĩ hải quân Vùng 5 luôn làm tốt công tác phối hợp giữa các lực lượng, tạo điều kiện để ngư dân yên tâm bám biển, bám đảo, bám ngư trường, phát triển nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy - hải sản.   

Ông Lê Văn Phương, tổ trưởng tổ nhân dân đảo Hòn Chuối (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cho biết: Đảo Hòn Chuối chỉ có gần 40 hộ dân sinh sống, cách đất liền hàng chục hải lý nên tất cả mọi việc đều trông nhờ vào lực lượng Hải quân đóng quân trên đảo. Lúc bà con đau ốm, có y tế của trạm ra đa trên đảo chăm sóc khi biển động, bão lớn tàu không cập đảo được, bà con lại được bộ đội san sẻ nước ngọt, lương thực tàu bè bị nạn cũng nhờ tàu xuồng của Hải quân ra cứu giúp... Chính vì vậy, mối quan hệ quân - dân trên đảo luôn khăng khít, như anh em trong làng, xã trên đất liền. 

Ông Phạm Văn Quân, Chủ tịch UBND xã An Sơn, huyện Kiên Hải (Kiên Giang) cho biết: Xã An Sơn có hai đảo lớn là Hòn Lớn và Hòn Mấu. Tuy cách xa đất liền nhưng hiện nay đời sống kinh tế - xã hội của bà con khá khởi sắc, du lịch ra đảo bắt đầu phát triển, chương trình xây dựng nông thôn mới đang được triển khai tích cực...   

Để đảo và cả xã đảo phát triển như hôm nay có công rất lớn của cán bộ, chiến sĩ Hải quân. Ngoài việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, ngư trường cho nhân dân đánh bắt cá, hải sản, nhờ lực lượng Hải quân, nhiều hộ khó khăn trên đảo được hỗ trợ làm nhà. Các cán bộ, chiến sĩ Hải quân cũng hỗ trợ xã rất nhiều trong bảo vệ an ninh trật tự, giúp bà con phát triển cơ sở hạ tầng... Quân và dân trên đảo luôn gắn bó keo sơn.    

Theo Đại tá Nguyễn Văn Đồng, Phó Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, việc duy trì, củng cố, phát triển mối quan hệ quân - dân và các lực lượng trên đảo là một trong những nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Hải quân để hoàn thành nhiệm vụ giữ gìn bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Cũng như mọi năm, năm nay cán bộ, chiến sĩ của Vùng đóng quân tại các điểm đảo vừa tổ chức Tết cổ truyền đầm ấm, vui tươi vừa làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, hỗ trợ ngư dân trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn...   

Bước sang xuân mới, cán bộ, chiến sĩ Hải quân Vùng 5 thực hiện phong trào thi đua mới với chủ đề "Thi đua giành 5 đỉnh cao quyết thắng", quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên vùng biển Tây Nam...Chia tay cán bộ chiến sĩ Hải quân Vùng 5 trên các đảo, điểm đảo, lời hát "biển này biển của ta, đảo này đảo của ta..." cứ vang xa đem theo niềm tin bất diệt về chủ quyền biển, đảo mãi vững bền bởi nơi đầu sóng, ngọn gió, những người lính Hải quân luôn chắc tay súng cho mùa xuân đất Mẹ mãi yên bình.


 Hoàng Thảo Nguyên  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN