Băn khoăn về mức độ phức tạp của việc định giá mua sắm hàng hóa
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu, ngày 16/1, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và Hội trường về “dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”.
Qua thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội đều thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội; Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc. Việc Quốc hội ban hành nghị quyết là đúng thẩm quyền, hồ sơ Chính phủ trình đảm bảo theo trình tự rút gọn của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để Quốc hội xem xét thông qua trong một kỳ họp.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, về sử dụng ngân sách Nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa cho hoạt động phát triển sản xuất (khoản 4), đa số ý kiến đại biểu Quốc hội băn khoăn về tính khả thi, mức độ phức tạp của việc xác định giá, quy trình, thủ tục thanh toán như quy định tại điểm b của dự thảo.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thấy rằng, ý kiến của đại biểu Quốc hội rất xác đáng, vì vậy, để tháo gỡ, tạo thuận lợi trong việc xác định giá hàng hóa, UBTVQH chỉnh sửa, bổ sung điểm b như sau: “Cơ quan phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất giao cơ quan tài chính cùng cấp xác định giá thị trường của hàng hóa, hoặc giao Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận giá thu mua hàng hóa tại địa bàn thực hiện dự án”.
Về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (khoản 5), đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội đều thống nhất chọn phương án 1 của dự thảo Nghị quyết là: Thống nhất không áp dụng quy định quản lý tài sản công đối với tài sản có vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước dưới 500 triệu.
UBTVQH thấy rằng, cơ sở để đề xuất mức 500 triệu trở xuống không áp dụng quy định quản lý tài sản công đã được Chính phủ giải trình làm rõ trong Tờ trình số 13/TTr-CP ngày 12/01/2024. Vì vậy, UBTVQH thống nhất với cơ sở đề xuất như trong tờ trình của Chính phủ.
Liên quan đến quản lý, hỗ trợ đối với tài sản có giá trị trên 500 triệu, UBTVQH tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, sửa đổi, bổ sung vào điểm b của Nghị quyết: “Đối với tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, hỗ trợ tối đa không quá 20% giá trị tài sản và không vượt quá tổng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo từng dự án cụ thể được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
Hội đồng nhân dân quyết định việc chọn huyện để thí điểm
Về ủy thác vốn cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (khoản 6), UBTVQH cho rằng, về thủ tục ủy thác hiện nay đã được một số địa phương thực hiện thí điểm như TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, Chính phủ có thể tham khảo để chỉ đạo các cơ quan thực hiện theo thẩm quyền. Nội dung này không nên quy định trong Nghị quyết của Quốc hội.
Còn về đối tượng, cần phải rà soát theo các quy định hiện hành, ngoài ra nếu cần mở rộng đối tượng cho vay, địa phương kiến nghị Chính phủ quyết định, không thuộc phạm vi, thẩm quyền của Quốc hội.
Với cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (khoản 7), đa số ý kiến đồng tình với việc thực hiện cơ chế này và đề nghị lựa chọn phương án 2 trong dự thảo. Do đó, UBTVQH chọn phương án 2 để thể hiện trong nghị quyết. Tuy nhiên, việc chọn huyện để thực hiện thí điểm nên giao cho Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định, căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương để lựa chọn không quá 2 huyện mỗi tỉnh để thực hiện thí điểm.
Về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp (khoản 8), UBTVQH đã tiếp thu ý kiến của đại biểu và bổ sung vào điểm a, khoản 8 nội dung như dự thảo.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự thảo nghị quyết cơ bản nhận được đồng tình của các đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị điều chỉnh lại kết cấu nội dung dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để bảo đảm ngắn gọn.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo cần thể hiện khái quát đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội đều thống nhất với tên gọi và sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Hồ sơ chất lượng dự thảo Nghị quyết đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp. Đồng thời, các đại biểu cũng đã góp ý thêm để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, UBTVQH xin được tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.
Về nội dung điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư, Chủ tịch Quốc hội thống nhất với ý kiến của Chính phủ nhấn mạnh việc mà phân cấp một mặt là để mà tạo sự linh hoạt, chủ động trong điều hành nhưng mặt khác là phải đảm bảo được việc thực hiện mục tiêu của từng chương trình. Mặt khác, việc mà điều chỉnh giữa các chương trình với nhau thì sẽ phá vỡ tính chất cấu trúc cũng như nhiều vấn đề phát sinh thêm nhiều thủ tục rất phức tạp.
Do đó, đề nghị cho giữ như dự thảo Nghị quyết để thẩm quyền điều chỉnh trong nội bộ từng chương trình. Về ban hành quy định trình tự thủ tục tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định Ủy ban nhân dân được quyền điều chỉnh các quy định do Hội đồng nhân dân đã ban hành.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị giải trình nội dung và đề nghị UBTVQH cho ý kiến thêm về mặt thủ tục pháp lý và đề xuất phương án tốt hơn nếu có.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc Ủy ban nhân dân sửa lại quy định của Hội đồng nhân dân chưa thực sự phù hợp. Chủ tịch Quốc hội gợi ý phương án báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cho phép điều chỉnh và sẽ báo cáo Hội đồng nhân dân ở kỳ họp gần nhất để vừa bảo đảm kịp thời, linh hoạt, vừa đúng nguyên tắc về mặt quản lý, tổ chức quản lý nhà nước.
Cũng tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, mong muốn của địa phương là muốn điều chỉnh trong các chương trình, giữa vốn chi thường xuyên và đầu tư mới có nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, qua giải trình của Chính phủ cho thấy sẽ phá vỡ nhiều thứ như mục tiêu, cơ cấu vốn và kế hoạch... Do đó, Phó Chủ tịch Trần Quang Phương nêu rõ, sẽ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và nhất trí với phương án Chính phủ giải trình này.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, với các địa phương chưa ban hành quy trình, thủ tục để làm mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất, nghị quyết giao quyền luôn cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể quy định. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật ban hành quy phạm pháp luật cũng như Hiến pháp.
Tuy nhiên, chỉ có điều băn khoăn là Hội đồng dân đã ban hành, nhưng bây giờ không phù hợp, phải điều chỉnh thì Ủy ban Pháp luật cũng thống nhất tinh thần tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội. Do đó, cần điều chỉnh điểm b, khoản 3 và Điều 4 theo hướng là trường hợp cần điều chỉnh giao Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét điều chỉnh và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất.
Phát biểu kết thúc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan trên cơ sở ý kiến tại phiên họp của UBTVQH, với sự nỗ lực cao nhất khẩn trương hoàn thiện các báo cáo, dự thảo để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần nữa bằng văn bản và gửi cho đại biểu Quốc hội ngay trong ngày 17/1 để các đại biểu có thời gian nghiên cứu xem xét trước khi quyết định bấm nút thông qua vào sáng 18/1/2024.