Gỡ vướng mắc trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia tại Tây Nguyên

Ngày 10/2, tại Gia Lai, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến về việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại các tỉnh Tây Nguyên.

Chú thích ảnh
 Quang cảnh Hội nghị. 

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; lãnh đạo, đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc; lãnh đạo các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.

Ba Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, người dân đặc biệt quan tâm. Đối với Tây Nguyên, địa bàn đặc thù, có ý nghĩa quan trọng về địa chính trị, quốc phòng, an ninh với diện tích rộng lớn, chiếm khoảng 1/6 diện tích cả nước nhưng chỉ có khoảng 6,3 triệu người sinh sống (chiếm 6% dân số cả nước), trong đó đồng bào người dân tộc thiểu số chiếm 36,5%.

Đời sống nhân dân tại một số khu vực vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo bình quân năm 2022 của vùng là hơn 8,6%, cao hơn tỷ lệ bình quân của cả nước là 5,2%. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới bình quân của vùng năm 2022 đạt khoảng 52%, thấp hơn bình quân chung của cả nước (khoảng 72%); thu ngân sách còn hạn chế, cần hỗ trợ nhiều từ ngân sách Trung ương. Vì vậy việc triển khai thực hiện tốt, hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với nhân dân các tỉnh Tây Nguyên.

Giai đoạn 2021 - 2025, các tỉnh Tây Nguyên được trung ương giao trên 11.700 tỷ đồng để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, chiếm gần 12% tổng nguồn lực đầu tư phát triển của trung ương cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia của cả nước. Riêng năm 2022, Trung ương cấp gần 4.000 tỷ đồng và các tỉnh Tây Nguyên bố trí hơn 850 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương. Đến 31/12/2022, các tỉnh khu vực Tây Nguyên mới chỉ giải ngân được gần 35% số vốn Trung ương giao (thấp hơn gần 3% so với tốc độ giải ngân trung bình cả nước). Tuy nhiên, đến năm 2023, đã có 3 trong số 5 tỉnh là Kon Tum, Lâm Đồng, Đăk Nông hoàn thành phân bổ vốn của năm.

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phát biểu tại Hội nghị.

Báo cáo với Phó Thủ tướng về thực tế triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương, các tỉnh Tây Nguyên đều nêu nhiều vướng mắc, như thiếu hệ thống văn bản hướng dẫn khung từ Trung ương; một số hướng dẫn, quy định đã được ban hành nhưng cách hiểu chưa thống nhất hoặc chưa phù hợp với tình hình thực tế tại khu vực Tây Nguyên và từng địa phương.

Đại diện cho tỉnh Gia Lai, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện nay, quá trình xây dựng để đồng bộ các hướng dẫn từ Chính phủ, bộ ngành và địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Các tiêu chí xây dựng, có một số tiêu chí chưa thực sự phù hợp với các điều kiện kinh tế - xã hội tại Gia Lai. Việc triển khai lồng ghép các nguồn vốn, tiêu chí, hướng dẫn để thực sự hiệu quả, trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội đang còn vướng mắc.

Từ thực tế một số vướng mắc ở khu vực Tây Nguyên, lãnh đạo các tỉnh đã đề xuất một số biện pháp để Chính phủ xem xét. Ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho rằng, các bộ, ngành Trung ương cần sớm ban hành quy định về lồng ghép nguồn vốn trên địa bàn. Bên cạnh đó, sớm ban hành định mức, hướng dẫn đất ở, đất sản xuất cho dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Trong thời gian chờ hướng dẫn cụ thể hơn từ Trung ương, các tỉnh Tây Nguyên vẫn tập trung triển khai theo kế hoạch và tập trung giải ngân đảm bảo tiến độ vốn như các năm vừa qua.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị trực tuyến về việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. 

Sau khi nghe các địa phương báo cáo, đề xuất, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận và đánh giá cao một số phần việc các tỉnh Tây Nguyên đã làm được, tạo tiền đề thực hiện các phần việc tiếp theo. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương sớm hoàn thành việc giao vốn; sử dụng vốn hợp lý đối với từng chương trình; yêu cầu các cơ quan, bộ ngành trung ương thực hiện ngay việc rà soát, hoàn thiện các quy định khung còn thiếu.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, thời gian để hoàn thành các Chương trình mục tiêu quốc gia không còn nhiều, các địa phương vùng Tây Nguyên cần tập trung triển khai và cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế; bổ sung những vấn đề còn bất cập, còn thiếu và phải hoàn thành trong quý I/2023.

Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương sử dụng, bố trí vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia chậm, chưa hợp lý, cần rút kinh nghiệm và nhanh chóng khắc phục; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; rà soát việc bố trí, sử dụng nguồn vốn sao cho hiệu quả, tránh dàn trải và tránh những tiêu cực phát sinh…

Về phía các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện; tăng cường phối hợp giữa các địa phương và bộ, ngành Trung ương;  phối hợp trong các cơ quan, đơn vị của từng địa phương trong triển khai thực hiện. Cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị các đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách các Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ là “điều phối viên" giữa các cơ quan để có ý kiến xử lý.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định, ông sẽ là điều phối viên giữa các địa phương và các Bộ trưởng, Thứ trưởng chưa đồng thuận ý kiến và mong muốn các địa phương học tập kinh nghiệm lẫn nhau để giải ngân nhanh, lan tỏa cách làm tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia, từ đó nhân rộng các mô hình điển hình.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu thời gian tới, Văn phòng Chính phủ tập hợp, thống kê, tham mưu Phó Thủ tướng có văn bản chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện ngay các công việc cụ thể.

Trước đó, chiều 9/2, đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dẫn đầu đã có chuyến khảo sát thực tế về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại huyện Mang Yang và huyện Đắk Đoa; thăm động viên và tặng quà bà con xã A Dơk (huyện Đắk Đoa); thăm tặng quà cho dân làng Đê Kjêng (Mang Yang) và tặng quà cho các em học sinh ở Trường Tiểu học Ayun số 2 - mẫu giáo Ayun tại làng Đê Kjêng.

Bài và ảnh: Hồng Điệp (TTXVN)
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với Bộ Tư pháp
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với Bộ Tư pháp

Chiều 8/2, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm việc với Bộ Tư pháp về tình hình thực hiện và kết quả chủ yếu trong một số lĩnh vực công tác tư pháp. Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN