Tại phiên thảo luận ở tổ mới đây về dự thảo luật này, nhiều đại biểu đưa ra đánh giá công tâm rằng, dự thảo đã được cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị tương đối kỹ và bổ sung những nội dung mà lâu nay chúng ta thực hiện có những vướng mắc.
Nhìn lại 17 năm thi hành Luật Thi đua, khen thưởng, có không ít vấn đề vướng mắc cần được giải quyết khi sửa đổi luật, mà một trong số đó là việc khen thưởng đối với đại biểu dân cử, nhiều địa phương “vướng” và kết quả là cả nhiệm kỳ không thực hiện khen thưởng được hoặc có khen nhưng phải “vận dụng” mà vẫn thấy chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý vững chắc.
Nhiều đại biểu dân cử cả nhiệm kỳ không được khen thưởng
Trên thực tế, từ khi thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng đến nay, xuất phát từ vị trí, chức năng và tổ chức của Quốc hội, chưa có hình thức khen thưởng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để khen thưởng cho đại biểu Quốc hội và các cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp thiết thực cho hoạt động của Quốc hội.
Báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy, giai đoạn từ 2009 - 2016, có 42 tỉnh đã thực hiện việc khen thưởng cho đại biểu Quốc hội chuyên trách tại địa phương với các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng như: Chiến sĩ thi đua các cấp, Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động các hạng. Giai đoạn từ 2016 - đến nay, báo cáo của 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, có 19 địa phương thực hiện việc khen thưởng cho đại biểu Quốc hội chuyên trách và 25 địa phương không trình khen do tuyến trình khen thưởng cho đại biểu Quốc hội chuyên trách ở các địa phương không thống nhất.
Nghị định 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Cấp nào quản về tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và quỹ lương thì cấp đó có trách nhiệm khen thưởng hoặc trình cấp trên khen thưởng đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý”; “Đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương, cán bộ thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do Văn phòng Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định”. Quy định trên mới chỉ quy định tuyến trình đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương, không quy định tuyến trình đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách tại địa phương, trong khi đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương do tỉnh quản lý về cán bộ nhưng quỹ lương do Ủy ban thường vụ Quốc hội quản lý, dẫn đến nhiều đại biểu chuyên trách ở địa phương không được khen thưởng do không xác định được đơn vị trình khen.
Để giải quyết vướng mắc trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 353/2017/NQ-UBTVQH quy định bổ sung một số chế độ và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội đã quy định cụ thể vấn đề này. Tuy nhiên, thời gian qua, việc đề nghị khen thưởng cho đại biểu chuyên trách ở địa phương vẫn chưa có nhiều tiến triển.
Kết quả khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương từ năm 2016 đến nay cũng khá “khiêm tốn” khi mới khen thưởng cống hiến 18 Huân chương Độc lập và 23 Huân chương Lao động các hạng; khen thưởng đột xuất 46 Huân chương Lao động các hạng về thành tích có đóng góp hiệu quả về các hoạt động của Quốc hội; 17 trường hợp được khen thưởng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc; 11 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích có đóng góp hiệu quả về các hoạt động của Quốc hội và thành tích trong phục vụ AIPA-41.
Có thể thấy, thời gian qua, công tác thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và địa phương còn rất hạn chế, chưa tương xứng với những đóng góp công sức, trí tuệ của đại biểu Quốc hội chuyên trách trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với vai trò, vị trí, trách nhiệm là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội. Qua theo dõi của Bộ Nội vụ và các số liệu nêu trên cho thấy, hàng năm, việc bình xét, đề nghị các danh hiệu thi đua “Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp bộ, Chiến sĩ thi đua toàn quốc” đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và địa phương hầu như không thực hiện được. Tương tự, các danh hiệu thi đua “Tập thể lao động tiên tiến, Tập thể lao động xuất sắc, Cờ thi đua cấp bộ, Cờ thi đua Chính phủ” đối với tập thể là các cơ quan của Quốc hội cũng không thực hiện được.
Các hình thức khen thưởng phổ biến với đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay là hình thức khen thưởng thường xuyên (khen thưởng hàng năm), nhưng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và địa phương cũng không được thực hiện mà chủ yếu là một số hình thức khen thưởng đột xuất, khen thưởng chuyên đề, khen thưởng đối ngoại, khen thưởng công hiến đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và địa phương khi có thông báo nghỉ hưu.
Nguyên nhân chủ yếu đã được chỉ ra là qua nhiều nhiệm kỳ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội do không thực hiện đăng ký thi đua hàng năm, nên không có cơ sở để xem xét, đề nghị khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được thường xuyên đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng. Do đặc thù đại biểu Quốc hội hoạt động theo nhiệm kỳ Quốc hội nên rất khó trong việc thực hiện công tác thi đua. Đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương, vướng mắc chủ yếu là chưa thống nhất cách hiểu về tuyến trình khen thưởng.
Đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho biết, trong cả nhiệm kỳ qua và bước sang nhiệm kỳ thứ hai, đến thời điểm này, đại biểu chuyên trách ở địa phương chưa được khen bao giờ, bởi không tham gia được cụm thi đua nào và quy định về tổ chức bộ máy, biên chế thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội của địa phương nhưng biên chế của Đoàn chỉ có một người, nên hàng năm bình xét danh hiệu thi đua là không có.
Sửa luật để gỡ vướng
Gỡ vướng cho câu chuyện thực hiện công tác thi đua và khen thưởng đối với đại biểu dân cử, dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hình thức khen thưởng “Kỷ niệm chương” và bổ sung quy định về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định công tác thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khác thuộc các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phù hợp với đặc thù hoạt động của Quốc hội.
Đồng thời, bổ sung quy định về thẩm quyền công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng và phân cấp cho người đứng đầu bộ, ban, ngành, tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng phù hợp. Trong đó có quy định: “Tổng thư ký Quốc hội trình khen thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước cho đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương do địa phương khen thưởng và đề nghị khen thưởng theo phân cấp về thẩm quyền quản lý đối với cán bộ ở địa phương” (khoản 3, Điều 82).
Đánh giá về nội dung sửa đổi này, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) cho rằng đây là điều rất cần thiết. Theo quy định, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý về công tác cán bộ, nhưng việc trả lương cho đại biểu Quốc hội chuyên trách tại địa phương lại giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội trả. Trong khi Nghị định 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ (hướng dẫn Luật Thi đua, khen thưởng) lại quy định, cấp nào quản lý về tổ chức cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và quỹ lương, cấp đó có trách nhiệm khen thưởng hoặc trình cấp trên khen thưởng đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý. Do vậy, thời gian qua, nhiều địa phương không thể đề xuất khen thưởng được.
Lấy ví dụ về việc khó khăn, vướng mắc trong công tác thi đua, khen thưởng, dẫn đến việc thực hiện giữa các địa phương không thống nhất, có nơi đề nghị khen thưởng được, có nơi không, bà cho biết, theo phản ánh của Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thời gian qua, 25 tỉnh thành phố không đề xuất khen thưởng, nghĩa là có thể có đại biểu chuyên trách tham gia 2 nhiệm kỳ vẫn không được khen thưởng.
“Nên có quy định cụ thể trong luật. Việc xem xét, đề nghị khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương cần phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Cũng cần phân định rõ cơ quan có trách nhiệm xem xét, khen thưởng thường xuyên, đột xuất hoặc khen thưởng cống hiến cho đại biểu Quốc hội chuyên trách tại địa phương, không nên để chung chung”, đại biểu Lê Thị Thanh Lam nói.
Trong dự thảo Luật Thi đua khen thưởng sửa đổi lần này, Bộ Nội vụ - cơ quan soạn thảo dự án luật - đã bổ sung nhiều nội dung mới để đảm bảo bao quát hết các đối tượng khen thưởng, phù hợp với vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền công tác khen thưởng trong hệ thống chính trị; cân đối khen thưởng khu vực cơ quan dân cử và khu vực ngoài nhà nước. Dự thảo Luật đã thiết kế lại, tạo sự thống nhất, xuyên suốt từ nguyên tắc, loại hình khen thưởng đến các quy định cụ thể tiêu chuẩn khen thưởng; đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được, đảm bảo nguyên tắc thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, khắc phục tình trạng khen thưởng “cộng dồn thành tích” trước đây.
Dự thảo Luật bổ sung nguyên tắc “quan tâm khen thưởng cho người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu và địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo”; mở rộng đối tượng khen thưởng người nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam trong điều kiện chủ động hội nhập; quy định rõ hơn đối tượng khen thưởng “doanh nhân, trí thức, nhà khoa học”, “doanh nghiệp” trong các loại hình khen thưởng để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước, kinh tế tư nhân.