Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác lưu trữ. Năm 2011, Quốc hội đã ban hành Luật Lưu trữ (thay thế Pháp lệnh lưu trữ quốc gia năm 2001). Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Lưu trữ hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình thực tiễn, nhất là với các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (trong đó có lĩnh vực lưu trữ), đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử để tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước. Do vậy, Chính phủ đã đề nghị và Quốc hội đã đồng ý đưa Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024.
Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã xem xét cho ý kiến lần đầu và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (vào tháng 5/2024). Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) gồm 9 chương, điều, tăng thêm cả số chương và số điều so với Luật Lưu trữ năm 2011 (gồm 7 chương, 42 điều). Dự thảo Luật đã bổ sung 4 chính sách lớn về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, hoàn thiện quy định về quản lý tài liệu lưu trữ điện tử, hoàn thiện quy định về quản lý lưu trữ, hoàn thiện quy định về quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ.
Ông Nguyễn Quyết Chiến nhận định, Hội thảo là dịp các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi góp ý nội dung nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Lưu trữ năm 2011, góp phần giải quyết vướng mắc đặt ra trong thực tiễn công tác lưu trữ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Góp ý nội dung kinh phí cho hoạt động lưu trữ (Điều 61), khoản 1 của Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Tiến sỹ Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, Điều 61 quy định: “Kinh phí hoạt động lưu trữ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân do ngân sách nhà nước bảo đảm”; tuy nhiên, trên thực tế, trong mục ngân sách chưa có nội dung cụ thể cho hoạt động lưu trữ nằm trong khoản chi thường xuyên, phân bổ kinh phí hàng năm cho các cơ quan, tổ chức. Hiện tại, chi thường xuyên của các cơ quan, tổ chức chủ yếu phục vụ các công việc khác, không dành cho hoạt động lưu trữ dẫn đến tình trạng tồn đọng, chưa được chỉnh lý, lựa chọn để nộp vào lưu trữ cơ quan, lưu trữ lịch sử. Để đảm bảo tính khả thi các quy định của Luật Lưu trữ trên thực tế khi ban hành, Tiến sỹ Phạm Văn Tân đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ mục lục ngân sách cấp cho hoạt động lưu trữ của các cơ quan, tổ chức.
Góp ý Chương IV: Lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số, Thạc sỹ Cao Minh Kiểm, Tổng Thư ký Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam đánh giá, đây là một chương hoàn toàn mới, chưa đề cập trong Luật Lưu trữ 2011. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số; việc xây dựng và triển khai Chính phủ số, xã hội số, phát triển kinh tế số….Nêu ý kiến cụ thể đối với Điều 34: Kho lưu trữ số, ông Cao Minh Kiểm cho rằng, nội dung này đã quy định các loại hình Kho lưu trữ số (Kho lưu trữ số Nhà nước; Kho lưu trữ số của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương,…). Tuy nhiên, điều này mới chỉ nêu kho lưu trữ số đối với cơ sở dữ liệu tài liệu được lưu trữ thuộc thẩm quyền. Vì vậy, Thạc sỹ Cao Minh Kiểm đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại nội dung này.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung về việc tách giữa hướng dẫn và thanh tra, kiểm tra quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ. Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện quản lý lưu trữ trong phạm vi toàn quốc, thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền… để góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật gửi Bộ Nội vụ và các cơ quan có thẩm quyền trong thời gian tới.