Đồng chủ trì Hội nghị có Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tô Thị Bích Châu.
Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 sẽ diễn ra vào tháng 10/2024. Bà Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, những ý kiến góp ý và kinh nghiệm thực tiễn của đại biểu tại Hội nghị lần này sẽ được tổng hợp, xem xét để bổ sung vào dự thảo Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 (Báo cáo chính trị) và nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong nhiệm kỳ tới.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029, có nhiều điểm mới như: Nội dung Báo cáo tập trung vào những nét nổi bật trong quá trình thực hiện và bổ sung những kết quả thực hiện nhiệm vụ mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn; bổ sung nhiều nhận định, đánh giá về chặng đường 40 năm đổi mới của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo đường lối của Đảng; cụ thể những tư tưởng chỉ đạo mới của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động của hệ thống Mặt trận...
Báo cáo cũng đề cập tới 3 khâu đột phá của cả nhiệm kỳ dựa trên yêu cầu công tác Mặt trận trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh tới hoạt động giám sát, phản biện xã hội; tập trung hoàn thành mục tiêu cuộc vận động Cả nước chung tay “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025 cùng với việc triển khai những hoạt động an sinh, xã hội chăm lo cho nhân dân; đồng thời tập trung xây dựng khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, tiếp nối thành công của 5 chương trình hành động nhiệm kỳ 2019-2024, nhiệm kỳ 2024-2029 sẽ bổ sung những nội dung, mục tiêu, giải pháp trong nhiệm kỳ mới và bổ sung chương trình hành động thứ 6 là xây dựng khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc, nhằm hiện thực hóa nội dung Nghị quyết số 43-NQ/TW về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc và các văn bản liên quan. Mục tiêu xây dựng 6 chương trình hành động nhằm huy động sự vào cuộc của các tổ chức thành viên trong hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động, lấy khu dân cư làm địa bàn quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.
“Báo cáo chính trị một lần nữa khẳng định vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó nhấn mạnh việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; thực hiện giám sát, phản biện để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân”, bà Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, đại biểu tham dự tập trung thảo luận, góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị và dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đa số ý kiến cho rằng, nội dung dự thảo Báo cáo chính trị đã đánh giá đúng, thực chất, khách quan tình hình các tầng lớp nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024. Một số đại biểu đề nghị bổ sung số liệu và đề cập tới vai trò của các tổ chức thành viên trong triển khai các chương trình hành động; thẳng thắn chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm, yếu kém và nguyên nhân, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm.
Góp ý kiến tại Hội nghị, ông Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam cho rằng, trong chương trình hành động sắp tới về vận động nhà ở, đảm bảo an sinh xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần bổ sung nội dung hỗ trợ học bổng, tiếp sức cho trẻ em khuyết tật đến trường.
Tán thành việc xây dựng 6 chương trình hành động, cũng như sự cần thiết của việc sửa đổi Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề xuất, nội dung dự thảo văn kiện Đại hội cần làm rõ hơn về tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn, cơ chế, quy trình các bước kết nạp các tổ chức thành viên; thể hiện rõ vai trò của Ban Công tác Mặt trận; xem xét bổ sung, cụ thể nhiệm vụ, vai trò của các Hội đồng tư vấn cho phù hợp với chức năng là một tổ chức trong Mặt trận.