Phát biểu khai mạc, ông Hà Phước Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh thông tin, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV dự kiến thông qua 10 luật, trong đó có Luật Công đoàn sửa đổi. Do vậy, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, nhất là tổ chức Công đoàn, tập trung rà soát lại 5 chương, 37 điều trong dự thảo đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu và chỉnh sửa sau kỳ họp thứ 7 vừa qua.
Để dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) đảm bảo đầy đủ, phù hợp với địa bàn Thành phố và cả nước trong xu thế mới, ông Hà Phước Thắng đề nghị, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức Công đoàn Thành phố tiếp tục trao đổi, thảo luận, góp ý, bổ sung hướng đến giải quyết vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, xử lý kịp thời vấn đề mới phát sinh, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới và nâng cao vai trò, vị thế, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn.
Tổng hợp các ý kiến, góp ý của công nhân Thành phố trước đó, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trọng tâm của dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) cần hướng đến việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Đặc biệt, cần đơn giản hóa các thủ tục pháp lý khi tổ chức Công đoàn đại diện cho người lao động tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ tại phiên tòa. Bởi quy định hiện nay, tổ chức Công đoàn phải được ủy quyền của người lao động mới được tham gia phiên tòa, trong khi Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam… là đại diện đương nhiên cho đoàn viên Công đoàn, ông Phạm Chí Tâm nhấn mạnh.
Người lao động là người trực tiếp tham gia làm ra của cải vật chất… cho đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, quyền và lợi ích của họ vẫn còn bị xâm phạm, nhất là việc doanh nghiệp, người sử dụng lao động nợ bảo hiểm xã hội. Do vậy, dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) cần có chế tài mạnh mẽ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, ngoại trừ trường hợp đặc biệt thiên tai, dịch bệnh.
Đại diện Liên đoàn Lao động huyện Nhà Bè cho biết, hiện có nhiều nhân viên của một siêu thị trên địa bàn liên tục nhờ tổ chức Công đoàn can thiệp, bảo vệ quyền lợi do doanh nghiệp này nợ bảo hiểm xã hội của nhân viên, người lao động gần 29 tháng qua. Hơn nữa, doanh nghiệp sắp đóng cửa nhưng quyền lợi của người lao động không được giải quyết.
Hiện nhiều người đã nghỉ việc. Vì vậy, rất khó để tất cả người lao động ủy quyền cho tổ chức Công đoàn đứng ra khởi kiện doanh nghiệp, đại diện Liên đoàn Lao động huyện Nhà Bè chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến cho rằng, doanh nghiệp không nợ một người mà nợ hàng loạt, có thời điểm nợ cả ngàn người lao động mà yêu cầu ủy quyền hết rất khó khăn, chưa kể phí ủy quyền cũng là rào cản. Trong nhiều trường hợp, lao động nữ sẽ rất khó khăn khi mà đến ngày sinh không có bảo hiểm xã hội, 6 tháng thai sản theo quy định cũng không có.
Do vậy, dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) cần Luật hóa, khẳng định Công đoàn là tổ chức đại diện đương nhiên cho người lao động nên họ được quyền trực tiếp đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng này, ông Đàm Trung Hiếu, Phó trưởng Phòng Quản lý Lao động, Ban Quản lý Khu chế xuất, Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng, nên quy định đơn vị, doanh nghiệp có trên 1.000 đoàn viên phải bố trí cán bộ Công đoàn chuyên trách. Bởi cán bộ Công đoàn do chủ doanh nghiệp trả lương dù gì họ cũng không thể mạnh mẽ phản đối ý kiến của chủ doanh nghiệp.
Góp ý về xây dựng, phát triển tổ chức Công đoàn, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) cần quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của cán bộ Công đoàn. Đồng hành cùng vấn đề này là các chế độ, chính sách, trợ cấp, xác định vị trí việc làm cho cán bộ Công đoàn.
Cũng tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, hiện vai trò các tổ chức đoàn thể như nhau, song vị trí lãnh đạo giữa các tổ chức đoàn thể đang có nhiều sự bất cập. Do vậy, cần tăng cường quyền lợi cho cán bộ Công đoàn; chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực, kỹ năng đàm phán của cán bộ Công đoàn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào phục vụ hiệu quả mối quan hệ giữa người sử dụng lao động với người lao động…