Đồng chủ trì Hội nghị có Bí thư Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam Nguyễn Tường Lâm; Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Tòa án nhân dân tối cao đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan soạn thảo dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, với mục tiêu hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi thông qua xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội.
Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên đang được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Hội nghị là hoạt động quan trọng trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong dự án Luật; kiến nghị, đề xuất những nội dung nhằm góp phần đảm bảo tính đúng đắn, phù hợp, khả thi; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên; phát huy tính dân chủ và đồng thuận trong xã hội khi Luật được áp dụng triển khai trong thực tiễn.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, nhà khoa học, chuyên gia đã tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với các nội dung: Phạm vi điều chỉnh và nhiệm vụ của Luật Tư pháp người chưa thành niên; điều phối về tư pháp người chưa thành niên; trách nhiệm của người làm công tác xã hội; các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên; hình phạt và thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên...
Các đại biểu cũng đưa ra một số ý kiến, đề xuất liên quan đến biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người chưa thành niên; việc thi hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên; vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo Luật; vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên tham gia hoạt động tố tụng và tái hòa nhập cộng đồng đối người chưa thành niên.
Ủng hộ việc sớm ban hành Luật, tuy nhiên Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Đường đề nghị cần làm rõ đối tượng và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, mối quan hệ giữa luật này với Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự.
Nhất trí với quy định của dự thảo Luật về việc tách vụ án hình sự nếu trong vụ án có người bị buộc tội là người chưa thành niên và người từ đủ 18 tuổi trở lên, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho rằng, việc tách vụ án hình sự cần bảo đảm nguyên tắc có lợi cho người chưa thành niên và không làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án đã được quy định tại Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Bên cạnh đó, có ý kiến đánh giá nhiều quy định trong dự thảo Luật còn chung chung, chưa thể hiện rõ việc bảo vệ quyền và nhân phẩm của người chưa thành niên. Việc khám xét người, xem xét dấu vết trên thân thể, trưng cầu giám định được quy định tại Điều 139 và Điều 150 của dự thảo cần quan tâm đến vấn đề nhạy cảm giới, phân công người thực hiện khám xét có giới tính phù hợp với người chưa thành niên trong hoạt động này.
Kết luận hội nghị, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm tiếp thu ý kiến phát biểu của các đại biểu và cho biết các ý kiến sẽ được tổng hợp đầy đủ, xem xét gửi đến cơ quan có thẩm quyền để tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.