Các đại biểu đến từ các Sở Nội vụ của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã tập trung góp ý vào Dự thảo các Nghị định, đặc biệt về tính pháp lý và tính khả thi của Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố rất cần cán bộ năng động, sáng tạo, dám đột phá. Để triển khai Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, Thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai và đến nay đã có 94 chương trình, đề án về nội dung này được đăng ký. Theo ông Huỳnh Thanh Nhàn, năng động, sáng tạo là điểm hiển nhiên, vốn cần có của cán bộ trong công tác; khác với dám nghĩ, dám làm và dám đột phá vì lợi ích chung. Vì vậy cần có sự phân biệt hai khái niệm này. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm đối tượng áp dụng là “người lao động” vào dự thảo Nghị định.
Tương tự, ông Ngô Công Hầu, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bạc Liêu cho rằng dự thảo Nghị định là rất cần thiết để khuyến khích, động viên cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, tạo nên hiệu quả công việc tốt của các cán bộ. Tuy nhiên theo ông Ngô Công Hầu, Nghị định vẫn còn thiếu những qui định rõ ràng hơn về trách nhiệm, biện pháp thực thi công tác bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; thậm chí cần phải nghiên cứu đến yếu tố “vì lợi ích chung” xét về điều kiện khách quan và bối cảnh từng thời điểm.
Quan tâm đến tính khả thi của Nghị định, theo ông Võ Tấn Hiền, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tiền Giang các đề xuất, ý tưởng sáng tạo luôn có sự rủi ro, nên cần nghiên cứu đến việc có nên xem xét đưa vào nội dung của Nghị định về việc có thể miễn trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính… Đồng thời, cần mở rộng hơn đối tượng của Nghị định, bên cạnh cán bộ lãnh đạo, quản lý có thể bổ sung thêm cán bộ, công chức ở các vị trí khác, bởi nguyên tắc cần khuyến khích cả hệ thống chính trị, tất cả cán bộ, công chức, viên chức cùng tham gia.
Tại Hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, các Dự thảo Nghị định nói trên rất cần thiết và cấp bách để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, được xây dựng trên nguyên tắc đổi mới mạnh mẽ sự phát triển của ngành Nội vụ. Các Nghị định hướng tới việc tạo sự chủ động xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp ở xã. Đồng thời, nhằm tạo cơ sở pháp lý, tính thống nhất trong cả hệ thống chính trị khi triển khai công tác khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong Dự thảo các Nghị định thể hiện sự phân cấp, phân quyền một cách mạnh mẽ, triệt để cho các địa phương. Các địa phương được giao thẩm quyền quyết định số lượng nhân sự cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố. Trung ương chỉ hậu kiểm, các địa phương chịu trách nhiệm về tính chính xác trình tự, thủ tục, đối tượng trên cơ sở Nghị định đã ban hành.
Đối với dự thảo Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, Bộ Nội vụ xác định đây là một việc làm khó vì chưa có tiền lệ, nhưng sẽ quyết tâm làm bằng được. Sau khi Nghị định đi vào áp dụng, thực tiễn sẽ là căn cứ đánh giá tính đúng đắn, hợp lý, để tiến hành điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện, tạo ra một hành lang pháp lý khuyến khích và bảo vệ cán bộ.
Trước đó, Bộ Nội vụ đã tổ chức hai hội thảo chuyên đề, lấy ý kiến của 28 tỉnh phía Bắc và 14 địa phương miền Trung. Tiếp theo, cơ quan này sẽ lấy ý kiến bộ, ngành, cơ quan tư pháp, Bộ Công an, và Ủy ban Kiểm tra, Ban Nội chính Trung ương. Dự kiến, Dự thảo Nghị định sẽ được Bộ Nội vụ trình Chính phủ vào tháng 6/2023.