Tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam truyền đạt 2 chuyên đề (Những nội dung mới trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Công tác tham mưu của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ các cấp trong triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở) cho các đại biểu gồm thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh Hà Nam về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Thường trực Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ các huyện, thị, thành ủy; Trưởng Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ các xã, phường, thị trấn trên địa bàn.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được thông qua ngày 10/11/2022, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Luật gồm 6 chương và 91 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Đây là cơ sở pháp lý cao nhất, quan trọng nhất thay thế các nghị định, pháp lệnh về Quy chế dân chủ ở cơ sở trước đây để toàn dân thực hiện thống nhất; là cột mốc đánh dấu bước phát triển mới về thực hiện dân chủ ở nước ta trong việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, hiện thực hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Luật có nhiều quy định mới, đặc biệt là nội dung về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam Đinh Thị Lụa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cập nhật kịp thời nội dung mới trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Công tác tham mưu của Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ ở các cấp là nội dung hết sức cần thiết nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo trong công tác tham mưu, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam cho biết thêm, quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân”, Tỉnh ủy Hà Nam luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Các cấp ủy Đảng trong tỉnh tăng cường chỉ đạo cụ thể hóa việc phát huy quyền làm chủ và mở rộng dân chủ trực tiếp của nhân dân. Các cấp chính quyền tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, công khai, minh bạch trong công tác quản lý, điều hành.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội. Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được thực hiện đồng bộ, thiết thực, hiệu quả ở các loại hình cơ sở, tạo sự đoàn kết, đồng thuận, phát huy quyền làm chủ của nhân dân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh trên địa bàn tỉnh.