Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN |
Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì hội nghị.
Hội nghị họp bàn nhiều nội dung quan trọng như quán triệt kết luận của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020; báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2018; chủ đề công tác năm 2018 của thành phố. Hội nghị cũng nghe báo cáo và thảo luận về kế hoạch tài chính, ngân sách thành phố 3 năm 2018 -2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 (hoàn chỉnh) của thành phố; báo cáo về bổ sung danh mục công trình trọng điểm của thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, kinh tế - xã hội năm 2017 của thành phố đạt được kết quả khá toàn diện. Kinh tế tăng trưởng khá 8,5% - hoàn thành kế hoạch đề ra; thu ngân sách vượt kế hoạch; thu hút vốn đầu tư tăng cao; giá cả thị trường ổn định, lạm phát được kiểm soát; an sinh xã hội được đảm bảo; sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển; “Năm kỷ cương hành chính 2017” có chuyển biến rõ nét; quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị, trật tự xã hội được đảm bảo; đối ngoại được mở rộng. Đặc biệt, tất cả các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội dự kiến đều hoàn thành kế hoạch, trong đó: thu ngân sách trên địa bàn vượt 1,4% dự toán.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội cũng chỉ ra một số hạn chế, trong đó có việc triển khai thực hiện nhiệm vụ do trung ương đề ra trên một số lĩnh vực còn chậm, thiếu những chủ trương, biện pháp đủ mạnh, chỉ đạo chưa quyết liệt... Đáng chú ý, vấn đề quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, quản lý đất đai, trật tự, an toàn giao thông còn một số mặt chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất công, đặc biệt là lấn chiếm đất nông nghiệp, vi phạm khai thác cát, sử dụng bến bãi trái phép còn xảy ra; còn có một số hạn chế trong quản lý đô thị, quản lý đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, quản lý tài chính về đất đai.
Công tác cải cách hành chính bước đầu có chuyển biến, song việc quản lý, điều hành của bộ máy hành chính ở một số cấp, ngành, lĩnh vực chưa thực sự quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả thấp; tính chủ động trong tham mưu, đề xuất của một số cơ quan, đơn vị tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chưa cao; một bộ phận cán bộ, công chức làm việc chưa hết trách nhiệm; lãnh đạo, cán bộ ở cấp cơ sở có lúc, có nơi còn gây phiền hà cho người dân và đã xảy ra một số vụ việc đáng tiếc trong ứng xử của cán bộ, công chức với người dân gây bức xúc trong dư luận.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN |
Tham luận tại Hội nghị, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Trịnh Thế Khiết kiến nghị thành phố đôn đốc xử lý các công trình xây dựng để quá lâu chưa khởi công xây dựng; tăng cường hệ thống đê kè, nhất là ở những nơi xung yếu; đẩy nhanh việc hạ ngầm dây cáp điện; xây dựng nhà máy xử lý rác thải, nước thải, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Đồng quan điểm, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cũng đề nghị nên giải phóng mặt bằng, san nền, tạo quỹ đất sạch rồi mới tiến hành đấu thầu để giúp mảng thương mại truyền thống có thể phát triển được... Một vấn đề nữa cần quan tâm trong thời gian tới là cải thiện môi trường đầu tư. Năm 2018, thành phố phấn đấu thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 40% thủ tục hành chính; năm tiếp theo là 70% đạt mức độ 3...
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải ghi nhận và biểu dương các sở, ngành, tổ chức chính trị -xã hội và toàn thể nhân dân Thủ đô đã đoàn kết, nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Bên cạnh các kết quả đạt được, Hà Nội vẫn còn nhiều những tồn tại hạn chế. Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan phải có ngay giải pháp và hành động để giải quyết từng tồn tại hạn chế.
Năm 2018, Đảng bộ, chính quyền thành phố tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, quyết liệt chỉ đạo, đổi mới phương thức lãnh đạo, đi sâu đi sát với cơ sở, đề cao vai trò của người đứng đầu. Đặc biệt, về phát triển kinh tế, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và mạnh.
Trong 3 năm tới kinh tế Hà Nội phải có tốc độ tăng trưởng từ 7,3 % đến 7,8%, có như vậy mới hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế 5 năm (2016 -2020), đúng theo sự chỉ đạo của Trung ương và Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI đã đề ra.
Cũng tại Hội nghị, thành phố Hà Nội đã đề ra kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2018 - 2020 với mục tiêu phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ thu, chi ngân sách, bảo đảm nguồn lực thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn; bảo đảm hoạt động của các cấp, các ngành và hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Theo đó, kế hoạch thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố trong 3 năm dự kiến đạt 763.947 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 697.736 tỷ đồng (chiếm 91,3%); thu từ dầu thô 3.900 tỷ đồng (chiếm 0,5%); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 62.311 tỷ đồng (chiếm 8,2%). Dự kiến chi ngân sách nhà nước thành phố 3 năm là 296.796 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển 130.000 tỷ đồng (chiếm bình quân 44% tổng chi ngân sách địa phương); chi thường xuyên 139.007 tỷ đồng (chiếm bình quân 46,8% tổng chi ngân sách địa phương).