Do mưa lũ làm cho các huyện bị ngập sâu từ 40 - 80 cm gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân như huyện Thanh Trì, Đan Phượng, Quốc Oai...
Cụ thể, tại huyện Ba Vì có khoảng 1.283,2 ha lúa bị ngập; trong đó ngập trắng 828,2 ha, ngập sâu 455 ha; 131,5 ha rau màu, 101,4 ha thủy sản bị ngập và thiệt hại 2.242 m3 cá lồng bè, tập trung ở một số xã vùng trũng, các trọng điểm ngập úng ven sông như: Minh Quang, Khánh Thượng, Phú Sơn, Tòng Bạt, Cổ Đô và thị trấn Tây Đằng.
Trên địa bàn huyện Thạch Thất đã bị ngập 935,18 ha lúa; trong đó ngập trắng là 624, ha, ngập sâu là 310,5 ha; 31,9 ha cây mầu. Diện tích thủy sản bị ngập là 18,5 ha. Xã Yên Trung bị lũ quét vùi lấp hoàn toàn 12 ha lúa.
Huyện Quốc Oai cũng bị úng cục bộ 2.6 ha lúa (ngập trắng 1.665 ha, ngập sâu 722 ha); diện tích cây ăn quả 142 ha; diện tích thủy sản bị ngập mất trắng là 160 ha; diện tích rau màu 142 ha; 6 hộ gia đình bị ngập nhà...
Do ảnh hưởng của mưa trên địa bàn huyện Chương Mỹ có 1.869 ha lúa bị ngập úng; rau màu bị ngập là 213 ha; nuôi trồng thủy sản bị ngập là 263 ha; diện tích cây ăn quả bị ngập là 47 ha, số dân bị ngập nhà 1.286 hộ, đường giao thông nông thôn bị ngập dài 11.480 m. Vào hồi 20h ngày 21/7/2018 đoạn đê tả Tích, vị trí qua địa bàn xã Quyết Hạ, huyện Chương Mỹ phải chống tràn chiều dài khoảng từ 300 - 400 m.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ, trên địa bàn huyện đã xảy ra một số sự cố công trình gồm: Nhà bị đổ sập, tường bao đổ, kênh mương bê tông bị hư hỏng; một số đoạn đê, hồ, đập bị ngập, sạt lở...
Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội đã đề nghị Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương kiểm tra, rà soát tổng hợp tình hình ngập úng trên địa bàn; tập trung khắc phục, phục hồi sản xuất, tổng vệ sinh môi trường các khu vực trường học, khu dân cư, trạm y tế… bị ngập nước.
Giúp đỡ các gia đình, nhất là các hộ gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn sớm khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống. Đồng thời, chủ động bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả.
Bên cạnh nhiệm vụ ổn định đời sống nhân dân, các sở ban ngành, các địa phương tập trung kiểm tra, rà soát các tuyến đê, công trình thủy lợi, các trọng điểm phòng chống lụt bão xung yếu. Tổng hợp, đánh giá số lượng, chất lượng vật tư dự trữ của thành phố, tình hình dự trữ vật tư, phòng chống thiên tai các cấp, các ngành.
Theo đó, Sở Y tế phối hợp các địa phương tổng hợp vệ sinh môi trường. Sở Xây dựng khắc phục hậu quả hư hỏng nhà cửa, ngập úng nội thành. Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội sửa chữa hệ thống điện, bảo đảm cấp đủ điện thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai.
Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội chủ động khơi thông dòng chảy, thực hiện phương án tiêu thoát nước nội đô. Đồng thời, 5 doanh nghiệp thủy lợi tập trung vận hành hệ thống các công trình thủy lợi phục vụ tiêu úng cho khu vực ngoại thành, nhất là diện tích lúa mới cấy của nông dân.