Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương cho biết, năm 2022, với chủ đề “Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá”, Hải Dương đã thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tình hình kinh tế - xã hội đã đạt những kết quả tích cực, tỉnh hoàn thành vượt mức 9/16 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Thu ngân sách nhà nước đạt 19.314 tỷ đồng, vượt 30% dự toán năm; trong đó, thu nội địa đạt gần 16.424 tỷ đồng, vượt 33% dự toán năm. Trong năm, có trên 1.600 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11% so với năm trước, có 900 doanh nghiệp quay lại hoạt động.
Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đề xuất mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt trên 9% và đề ra 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm tới. Hải Dương đã xác định nhiều nhóm giải pháp, trong đó, về kinh tế, tỉnh tập trung một số giải pháp: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút sự chuyển dịch của dòng vốn FDI; dùng chuyển đổi số làm nền tảng, đòn bẩy trong phát triển kinh tế - xã hội; Tăng cường xử lý các dự án chậm triển khai gây lãng phí đất đai…
Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội. Còn 7/16 chỉ tiêu chưa đạt theo kế hoạch. Một số nhiệm vụ quan trọng hoàn thành chậm so với tiến độ như: Lập quy hoạch tỉnh, triển khai các đề án, dự án trong kế hoạch đầu tư công, định giá đất một số dự án, thu hút đầu tư trong và ngoài nước giảm. Cơ sở vật chất, giáo viên nhiều trường học chưa đáp ứng yêu cầu, ngành y tế gặp nhiều khó khăn về trang thiết bị y tế, thuốc, cán bộ… nhưng chậm được tháo gỡ.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đại biểu thẳng thắn nhìn nhận và đánh giá thực chất, khách quan, toàn diện về những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phá triển kinh tế - xã hội và quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2023. Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đổi mới và sáng tạo trong hoạt động giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn, quyết định các vấn đề quan trọng. Cùng với đó, cần đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, chất lượng thẩm tra, giám sát của các Ban, các đại biểu và các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân; tăng cường phối hợp giữa Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận tổ quốc, Ủy ban nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các cơ quan của Quốc hội nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Kỳ họp đã ứng dụng quét mã QR code để nhân dân và cử tri gửi câu hỏi, ý kiến.
Theo kế hoạch, kỳ họp diễn ra trong hai ngày 7 - 8/12 để xem xét, cho ý kiến về các báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch năm 2023; công tác phòng, chống tham nhũng; các tờ trình về những chế độ chính sách liên quan đến các lĩnh vực đầu tư công, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mức thu học phí; kế hoạch giao biên chế công chức, viên chức…