Do vậy, các thành viên ASEAN cần đưa ra những chính sách mới phù hợp nhằm tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng và phục hồi sau suy thoái kinh tế; tăng cường mối liên kết, hợp tác về cách thức ứng phó và khả năng thích nghi hiệu quả hơn của các nền kinh tế ASEAN hậu COVID-19 cũng như những nguy cơ mới trong tương lai.
Thách thức mở ra cơ hội mới
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, đứng trước những thách thức do COVID-19 gây nên, ngay từ đầu các quốc gia thành viên của Cộng đồng ASEAN đã kịp thời hành động, chủ động thích ứng, gắn kết các quốc gia. Hệ thống ứng phó y tế khẩn cấp của ASEAN và hợp tác với các đối tác đã được kích hoạt ngay từ những ngày đầu đại dịch. Các nước ASEAN đã tích cực chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp trong kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh.
Các thành viên Cộng đồng ASEAN với cam kết chính trị ở mức cao nhất, cách tiếp cận đồng bộ, tổng thể ở cấp quốc gia và khu vực, đã thể hiện bản lĩnh vững vàng của một ASEAN đoàn kết và gắn bó, trách nhiệm để cùng nhau vượt qua đại dịch.
Đáng chú ý, cộng đồng kinh tế ASEAN đang đẩy nhanh việc thực thi 4 mục tiêu hội nhập bao gồm: xây dựng thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung (tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư, lao động có tay nghề); phát triển một khu vực kinh tế cạnh tranh (trong khuôn khổ chính sách cạnh tranh chung, bảo vệ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, hệ thống thuế quan chung); phát triển kinh tế cân bằng; hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu (thông qua phối hợp chặt chẽ trong đàm phán đối tác kinh tế, nâng cao năng lực tham gia vào mạng lưới cung ứng toàn cầu).
Hơn nữa, vần đề đặt ra đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam, cũng như khu vực ASEAN là cần tăng cường tính tương hỗ giữa Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025 và Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về phát triển bền vững 2030 lần thứ IV đã được tổ chức trực tuyến nhằm nỗ lực đề ra những giải pháp ứng phó với những tác động của đại dịch COVID-19, đặc biệt là đề ra một loạt các kế hoạch hành động nhằm giúp tất cả các nước thành viên ASEAN bứt phá trong kỷ nguyên hậu COVID-19.
Với vai trò quan trọng của nước Chủ tịch năm 2020, Việt Nam cùng với sự giúp đỡ của các đối tác đã làm nên những thành công nhất định của ASEAN trong ứng phó với đại dịch COVID-19. Việt Nam được thế giới thừa nhận là hình mẫu thành công trong chống dịch COVID-19 và ASEAN cũng được cho là cơ bản đã kiểm soát được tình hình khi đạt tỉ lệ cao về số bệnh nhân khỏi bệnh trên tổng số ca lây nhiễm, tỉ lệ tử vong ở mức thấp và đang giảm nhanh, các nền kinh tế ASEAN về cơ bản vẫn giữ được ổn định với mức suy giảm kinh tế thấp hơn nhiều so với bình quân của thế giới và có triển vọng phục hồi cao sau đại dịch COVID-19.
Một số giải pháp cụ thể
Để giải quyết được những thách thức do COVID-19 gây ra, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, cho rằng ASEAN cần phải có những bước đi căn cơ và phù hợp với từng quốc gia và cả Hiệp hội ASEAN. Theo đó, 5 vấn đề được tập trung ưu tiên là tăng cường năng lực trong việc ngăn chặn và kiểm soát COVID-19; bảo vệ người dân trước đại dịch; giảm thiểu tác động xã hội của COVID-19; củng cố quan hệ giữa ASEAN với các đối tác nhằm ứng phó với COVID-19; và phát triển kế hoạch phục hồi sau đại dịch.
Liên quan đến việc xây dựng năng lực sẵn sàng ứng phó với COVID-19 trong khối ASEAN, một danh sách dài những vấn đề mà hội nghị cấp cao sắp tới sẽ phải quyết định. Cụ thể là cách vận hành Quỹ ứng phó với COVID-19 theo đề xuất của Thái Lan đã được phê duyệt vào tháng 4/2020; sự chia sẻ thông tin và kinh nghiệm thực tiễn giữa các thành viên ASEAN; tốc độ truyền dữ liệu, đặc biệt là thông tin về sức khỏe thiết yếu trong đại dịch; tăng cường đẩy mạnh hợp tác an ninh mạng; xây dựng một nhóm chuyên gia phối hợp với nhau nhằm nâng cao kiến thức và năng lực ứng phó của khu vực về các bệnh truyền nhiễm; tăng cường bảo hộ công dân ở các nước thứ ba…
Bên cạnh đó, ASEAN đã tái khẳng định các cam kết nhằm đảm bảo sự ổn định kinh tế, tài chính vĩ mô và thanh khoản, đảm bảo kết nối chuỗi cung ứng, duy trì sản xuất và phân phối, nhất là các vật tư thiết yếu như vật tư y tế, thực phẩm và nông sản, giảm thiểu các tác động.
Trước mắt, việc thông quan hàng hóa và chuỗi cung ứng trong khu vực đang gặp nhiều cản trở do các biện pháp đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, cắt giảm đường bay, và đặc biệt là quyết định hạn chế xuất khẩu các mặt hàng lương thực và y tế chiến lược ở nhiều quốc gia.
Tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN + 3 (thêm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) trực tuyến về ứng phó với đại dịch hồi tháng 4/2020, ASEAN đã tái khẳng định sự cần thiết của một kế hoạch phục hồi sau đại dịch, thúc đẩy sự phối hợp giữa các ngành công nghiệp, khu vực tư nhân và các chủ thể khác.
Cũng tại hai hội nghị này, với sự tham gia của lãnh đạo toàn bộ các nước ASEAN, Chính phủ Malaysia đề xuất rằng kế hoạch của ASEAN không nên chỉ tập trung vào các khía cạnh tài chính mà còn cần hướng đến các mạng lưới an toàn xã hội, an ninh lương thực và giáo dục. Kế hoạch khôi phục kinh tế của ASEAN cũng cần bao gồm các biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của 600 triệu người dân trong khu vực. Nguồn cung y tế, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác cũng như hạ tầng cần được đảm bảo, thông qua các dòng chảy thương mại bằng cả đường biển, hàng không và đường bộ. Các nước thành viên ASEAN cần làm việc cùng nhau để không ai bị bỏ lại phía sau.
Trong vấn đề việc làm, một số nước trong khu vực đã đẩy nhanh các chương trình hỗ trợ cho hàng loạt người lao động thất nghiệp mới từ các lĩnh vực như: du lịch, dịch vụ nhà hàng, khách san và ngành may mặc. Chính phủ Thái Lan đã hỗ trợ 161 USD/tháng trong 3 tháng cho khoảng 9 triệu lao động tự do và phi chính thức. Trong khi đó, Singapore bổ sung ngân sách để chi trả cho người lao động thất nghiệp 800 SGD/tháng trong 3 tháng để giúp họ tìm việc làm mới hoặc được đào tạo lại nghề.
Bên cạnh đó, với những kinh nghiệm thực tiễn trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19, vấn đề xử lý các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trong tương lai có thể sẽ được đưa vào kế hoạch chi tiết của ASEAN để tăng cường năng lực ứng phó tổng thể khi cuộc sống của 654 triệu người dân trong cộng đồng chung bị đe dọa.