HĐND tỉnh Thái Bình thống nhất đề xuất thực hiện dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng

Từ ngày 11 - 13/7, HĐND tỉnh Thái Bình khóa XVII đã tổ chức thành công kỳ họp thứ 4. Tại kỳ họp, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết thống nhất đề xuất thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08) và giao UBND tỉnh làm Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án.

Chú thích ảnh
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình Nguyễn Tiến Thành phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Theo đó, HĐND tỉnh Thái Bình thống nhất đề xuất thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (cao tốc CT.08), đoạn qua 3 tỉnh: Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình. Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 80 km, rộng 6 làn xe, trong đó đoạn qua tỉnh Ninh Bình dài khoảng 18 km, đoạn qua tỉnh Nam Định dài khoảng 29 km và đoạn qua tỉnh Thái Bình dài nhất, khoảng 33 km. Điểm đầu của tuyến cao tốc dự kiến tại Km0+0 giao với đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa đoạn Cao Bồ - Mai Sơn (thuộc địa phận xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) và điểm cuối của cao tốc dự kiến có vị trí giao giữa quốc lộ 37 và tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình (thuộc xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

HĐND tỉnh Thái Bình giao UBND tỉnh báo cáo và thống nhất với Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Thái Bình làm Cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai các thủ tục đầu tư dự án theo quy định. UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện các bước tiếp theo bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết này.

Dự kiến đến cuối năm 2022, chậm nhất đầu năm 2023, sẽ khởi công tuyến đường cao tốc này.

Tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng có ý nghĩa hết sức quan trọng, kết nối nhiều tỉnh, thành phố. Bên cạnh tuyến đường ven biển, đầu tư tuyến đường bộ cao tốc này sẽ tạo động lực phát triển khu vực phía Nam Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc là cần thiết, phù hợp với quy hoạch và cần được triển khai sớm.

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Thái Bình còn thông qua hơn 20 nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, công tác cán bộ và chương trình giám sát năm 2023 của HĐND tỉnh. Các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư, xây dựng cơ bản, quốc phòng, an ninh, xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm, bàn và thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm, nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2022, góp phần thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đã đề ra...

Sơn Hải (TTXVN)
Chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đường trục huyện tại tỉnh Thái Bình
Chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đường trục huyện tại tỉnh Thái Bình

Ngày 27/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký ban hành công văn số 466/TTg-NN chấp thuận Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình quyết định chuyển mục đích sử dụng 33,3 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện Dự án đường trục huyện từ thị trấn Hưng Nhân đến thị trấn Hưng Hà (đường Long Hưng).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN