Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hiến chương LHQ trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và là cơ sở quan trọng cho hành động của cộng đồng quốc tế trong những thời điểm khó khăn. Đại sứ nhắc lại việc tháng 1/2020, Việt Nam đã tổ chức thảo luận mở của Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA) về Đề cao Hiến chương LHQ. Tuyên bố Chủ tịch HĐBA được thông qua lúc đó vẫn còn nguyên giá trị.
Để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, Đại sứ Phạm Hải Anh nhấn mạnh các quốc gia cần tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ qua những hành động cụ thể, phát huy hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa LHQ và các tổ chức khu vực vì hòa bình và phát triển bền vững. Trong cả hai nhiệm kỳ Chủ tịch HĐBA vào tháng 1/2020 và tháng 4/2021, Việt Nam đã chủ trì họp về hợp tác LHQ-ASEAN và thảo luận mở về HĐBA và các tổ chức khu vực.
Về giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, Đại sứ Phạm Hải Anh khẳng định Việt Nam luôn đề cao nguyên tắc cơ bản này của luật pháp quốc tế, đặc biệt là việc sử dụng các biện pháp nêu tại Điều 33 của Hiến chương LHQ, ủng hộ ủy ban tiếp tục thảo luận về chủ đề này và đặc biệt đánh giá cao trọng tâm thảo luận của năm 2020 và 2021 là các biện pháp trọng tài và xét xử, như các công cụ hiệu quả để giải quyết tranh chấp.
Đại diện Việt Nam cho rằng đã có nhiều khuôn khổ pháp lý toàn diện và các cơ chế đã được vận dụng hiệu quả, như của Hiến chương LHQ và Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 để các bên giải quyết các tranh chấp, trong đó có về lãnh thổ và biển, hoan nghênh việc ủy ban sẽ thảo luận về các kinh nghiệm tốt trong vận dụng biện pháp xét xử.
Ủy ban đặc biệt về Hiến chương LHQ được thành lập năm 1975 để các nước thảo luận về việc thực hiện Hiến chương. Hằng năm, Ủy ban đặc biệt đều tổ chức họp để các nước cùng bàn bạc và xem xét các đề xuất liên quan. Kể từ khi được thông qua năm 1945, đến nay, Hiến chương LHQ đã được sửa đổi 3 lần vào các năm 1963, 1965 và 1973.