Kiến thiết cuộc sống mới
Thăm và dự mít tinh tại Cao điểm 241(thôn Tân Phú, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ) vào sáng 15/9/1973, Lãnh tụ Fidel Castro không chỉ ca ngợi và tin tưởng vào ý chí chiến đấu, chiến thắng của quân và dân ta, mối quan hệ thủy chung, đoàn kết đặc biệt giữa Việt Nam - Cuba mà còn gợi mở việc tái thiết. Theo ông Dương Tú Anh (87 tuổi, nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lộ), thăm Cao điểm 241, Lãnh tụ Fidel Castro gợi mở vấn đề xây dựng nhà cửa và nông trường để lấp đi sự hoang tàn do chiến tranh.
Hoang tàn, tiêu điều là khung cảnh ở Cao điểm 241 và vùng xung quanh sau giải phóng (năm 1972). Xác xe tăng, xác pháo của Mỹ bị quân và dân ta phá hủy còn nằm ngổn ngang. Ngày nay, dấu tích của Cao điểm 241 vẫn còn được lưu giữ. Địa danh này cách Quốc lộ 9 khoảng 2 km và nằm giữa màu xanh bạt ngàn của cánh rừng cao su, rừng tràm. Từ năm 2012, tại Cao điểm 241, một tượng đài đã được xây dựng khắc nghi chiến công của quân ta với nội dung: “Cứ điểm 241 Tân Lâm, là căn cứ hỏa lực mạnh nhất trong hệ thống phòng thủ Đường 9 của địch nơi đây. Từ ngày 30/3/1972 đến 2/4/1972, trước sự tấn công vũ bão của E - E - pháo binh, E 24 bộ binh - Sư đoàn 304, ta siết chặt vòng vây, buộc Trung đoàn 56 của địch phải đầu hàng và trở về với cách mạng”.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Nguyễn Thành Bắc, sau giải phóng, thanh niên từ nhiều địa phương đã đến Cao điểm 241 và vùng xung quanh để làm việc cho Nông trường Tân Lâm; sau đó ở lại lập nghiệp với nghề chính là trồng rừng kinh tế, cao su và một số cây trồng khác.Theo thời gian, Cao điểm 241 và vùng xung quanh thu hút ngày càng nhiều cư dân đến ở và hình thành những khu dân cư đông đúc, thanh bình.
Giờ đây, đường đến Cao điểm 241 được thảm nhựa phẳng lỳ, hai bên đường là những ngôi nhà kiên cố, khang trang. Người dân nơi đây không chỉ đủ ăn, đủ mặc mà còn vươn lên làm giàu. Như vậy, sự gợi mở, mong muốn của lãnh tụ Fidel Castro khi đến thăm Cao điểm 241 đúng 50 năm về trước đã thành hiện thực.
Khu vực Cao điểm 241 nói riêng, vùng gò đồi huyện Cam Lộ nói chung có một loại cây trồng đặc sản là hồ tiêu. Hồ tiêu ở vùng này nổi tiếng bởi có mùi thơm, vị cay rất đặc trưng, được thị trường ưa chuộng, có giá trị cao. Ông Trương Sĩ Tiến, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ, lần thứ hai Lãnh tụ Fidel Castro sang thăm Việt Nam vào tháng 12/1995. Đoàn lãnh đạo tỉnh Quảng Trị ra Hà Nội thăm và mang theo món quà tặng là bức ảnh chụp Lãnh tụ Fidel Castro đến thăm Vùng Giải phóng Quảng Trị năm 1973 và hạt tiêu được sản xuất trên chính Cao điểm 241. Món quà nhỏ nhưng có hàm ý sâu sắc, đó là vùng đất Quảng Trị đang hồi sinh mạnh mẽ sau chiến tranh như mong muốn của Lãnh tụ Fidel Castro.
Hiện nay, huyện Cam Lộ là một trong những địa phương trọng điểm về phát triển nông nghiệp của tỉnh. Theo Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Anh Tuấn, địa phương đã hình thành các vùng chuyên canh cây trồng sản xuất theo hướng bền vững với hơn 4.000 ha cao su, trên 420 ha hồ tiêu, 200 ha cây dược liệu, 17.000 ha rừng sản xuất. Các vùng chuyên canh tập trung đã liên kết với doanh nghiệp chế biến tiêu thụ, hình thành chuỗi giá trị sản xuất gắn với thương hiệu địa phương. Sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của huyện chiếm gần 30% tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh.
Niềm tin về khát vọng hòa bình
Sau khi dự mít tinh tại Cao điểm 241, khoảng 10 giờ ngày 15/9/1973, Lãnh tụ Fidel Castro đến thăm Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Trụ sở Chính phủ) đóng ở thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ. Lãnh tụ Fidel Castro khẳng định: “Không những chúng tôi chỉ đi thăm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà cũng đã đi thăm Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, thăm lực lượng Vũ trang giải phóng và nhân dân. Ở đây, chúng tôi đã thấy tinh thần chiến đấu rất cao của các chiến sỹ lực lượng Vũ trang và của nhân dân. Tại Cam Lộ, chúng tôi đã họp mặt với các đại diện của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và với các vị lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng. Chúng tôi thấy rất rõ không khí hòa bình và trật tự đang bao trùm lên khắp nơi ở vùng này”.
Điều này cho thấy, Lãnh tụ Cuba đã thấy rõ khát vọng hòa bình ở Vùng giải phóng Quảng Trị và đặt trọn niềm tin vào quyết tâm giành độc lập, thống nhất non sông và hòa bình của dân tộc Việt Nam. Trụ sở Chính phủ đặt tại Cam Lộ từ năm 1973 - 1975 trở thành nơi hội tụ phong trào yêu nước của nhân dân miền Nam dưới ngọn cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng đấu tranh trực diện với quân thù, tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nơi đây là biểu tượng cho khát vọng hòa bình và quyết tâm giành độc lập, thống nhất non sông của dân tộc, là minh chứng sinh động cho lịch sử đấu tranh gian khổ nhưng oanh liệt, hào hùng của nhân dân ta.
Ông Hoàng Phước Lãm (50 tuổi, cán bộ thuyết minh hướng dẫn ở Di tích Trụ sở Chính phủ) đã dẫn phóng viên đi xem những bức ảnh và nơi Lãnh tụ Fidel Castro nghỉ trưa khi đến thăm nơi này vào giữa tháng 9/1973.
Ông Lãm cho biết, năm 1985, Trụ sở Chính phủ bị tàn phá bởi cơn bão mạnh. Năm 2007, Trụ sở Chính phủ được phục dựng các hạng mục như: Nhà trình quốc thư, nhà lưu trú; năm 2019 phục dựng thêm Nhà làm việc Bộ Ngoại giao. Từ khi di tích này được phục dựng, nhiều đoàn khách đã đến tham quan, dành thời gian tìm hiểu và ngưỡng mộ Lãnh tụ Cuba qua những bức ảnh tư liệu. Câu chuyện về phòng nghỉ trưa ngày 15/9/1973 của Lãnh tụ Fidel Castro ở Nhà lưu trú thuộc Trụ sở Chính phủ đã thu hút sự quan tâm nhiều người. Đó là một căn phòng có diện tích nhỏ, trong phòng kê một chiếc giường và chiếc tủ đựng đồ dùng. Là nguyên thủ Quốc gia nhưng Lãnh tụ Fidel Castro sống giản dị, gần gũi. Cán bộ, nhân viên làm việc tại Di tích Trụ sở Chính phủ luôn chú trọng lưu giữ những bức ảnh, nơi nghỉ của ông khi đến thăm Vùng Giải phóng Quảng Trị, để góp phần giáo dục thế hệ trẻ về tình đoàn kết đặc biệt, thủy chung giữa hai nước Việt Nam - Cuba. Trụ sở Chính phủ được xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia năm 1991.
Hiện nay, huyện Cam Lộ đang tiếp tục tập trung trùng tu, tôn tạo; đồng thời, từng bước hoàn thiện hồ sơ, sớm trình cấp có thẩm quyền công nhận nơi đây là Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt nhằm phát huy giá trị của di tích ngang tầm với vai trò quan trọng và ý nghĩa lịch sử. Bí thư Huyện ủy Cam Lộ Đỗ Văn Bình cho biết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục thay mặt nhân dân cả nước gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử đặc biệt ý nghĩa của Trụ sở Chính. Từ đó, tiếp lửa cho thế hệ trẻ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, kiên cường trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động, học tập; đồng thời, biến niềm tự hào đó thành sức mạnh hành động cho những đổi thay kỳ diệu trên quê hương anh hùng.