Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụp lún đường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua chủ yếu xuất phát từ yếu tố chủ quan.
Đây là đánh giá được rút ra trong đề tài nghiên cứu khoa học “ Khảo sát điều tra, đánh giá nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục lún sụp mặt đường trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”, do Đoàn chuyên gia Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh thực hiện được Sở Khoa học Công nghệ thành phố nghiệm thu ngày 18/10.
Ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội cầu đường cảng thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm đề tài, cho biết: Qua quá trình nghiên cứu thực tế, đoàn chuyên gia đã rút ra được 11 nguyên nhân và có thể quy vào 3 nhóm chính gây ra hiện tượng sụp lún trên địa bàn thành phố gồm: nhóm do công trình và do thi công; nhóm do công tác quản lý và nhóm do địa chất, thủy văn. Trong đó, có thể khẳng định một trong những nguyên nhân chính là do công tác thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật của các đơn vị thi công chưa tuân thủ nghiêm túc các quy trình thi công và nghiệm thu hiện hành.
Theo đánh giá của đoàn chuyên gia thực hiện đề tài, công tác quản lý hạ tầng ngầm của thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn chưa thống nhất, còn khá chồng chéo, đặc biệt không có cơ quan đầu mối để quản lý dữ liệu thống nhất các hệ thống công trình ngầm dẫn đến nhiều khó khăn trong thi công các dự án liên quan công trình ngầm. Mặt khác, đội ngũ tư vấn, giám sát thi công cũng như chủ đầu tư nhiều đơn vi vẫn còn thiếu kinh nghiệm, không giám sát chặt chẽ các công đoạn thi công; chế tài xử phạt trong vi phạm xây dựng chưa đủ sức răn đe.
Để khắc phục tình trạng sụp lún mặt đường xảy ra trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới, đoàn chuyên gia đã đề ra nhiều giải pháp. Trước mắt, thành phố cần trang bị cho các đơn vị quản lý công trình ngầm các thiết bị dò tìm hiện đại như loại máy CCTV (Closed Circuit Television – không phá hoại mặt đường), máy Georadar để khảo sát điều tra dò tìm những hư hỏng của hệ thống cống cấp thoát nước và đưa ra phương án sửa chữa trước khi xảy ra sự cố; xây dựng cơ chế, quy định phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các đơn vị quản lý công trình ngầm về xử lý các vấn đề có liên quan và có biện pháp chế tài nghiêm khắc, đủ sức răn đe với các đơn vị vi phạm; hoàn thiện và ứng dụng công nghệ GIS vào quản lý hệ thống công trình ngầm.
Thành phố cũng cần sớm thành lập một cơ quan quản lý không gian ngầm với chức năng quản lý nhà nước, lưu trữ và thanh tra, kiểm tra các hoạt động xây dựng, di dời, tái lập ảnh hưởng đến các công trình ngầm hiện hữu …
Theo thống kê, từ tháng 7/2010 đến nay, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra 145 vụ sụp lún mặt đường. Trong đó, cống thoát nước cũ bị sụp, bể, hở mối nối có 48 vụ; ống cấp nước bị xì, bể, hở mối nối có 35 vụ; công trình hạ tầng kỹ thuật khác bị hư bể chiếm 21 vụ; 25 vụ do thi công không đúng quy trình - quy định, trực tiếp làm hư hỏng công trình và 10 vụ do địa chất và nước ngầm./.
Theo Vietnamplus