Hình ảnh Mẹ Tơm vẹn nguyên trong ký ức người cháu nội Vũ Xuân Thu

Dù mấy chục năm đã trôi qua nhưng những ký ức về bà nội (mẹ Tơm) vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí người cháu đích tôn Vũ Xuân Thu. 

Hòa trong không khí cả nước kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9, chúng tôi tìm đến nhà ông Vũ Xuân Thu (cháu đích tôn của mẹ Tơm) tại phường Tân Sơn, thành phố Thanh Hóa, để nghe ông kể về những hy sinh cao cả của bà nội trong những ngày tháng nuôi giấu cán bộ cách mạng thời kỳ tiền khời nghĩa năm 1945. Dù mấy chục năm đã trôi qua nhưng những ký ức về bà nội (mẹ Tơm) vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí người cháu đích tôn Vũ Xuân Thu. 

Chú thích ảnh
Cầm tuyển tập thơ Tố Hữu, trong đó có bài thơ “Mẹ Tơm” đã đi vào lịch sử, bên tách trà ấm vào một buổi sáng chớm thu, những hồi ức về mẹ Tơm được ông Thu kể lại mạch lạc, sinh động.

Trên tay cầm tuyển tập thơ Tố Hữu, trong đó có bài thơ “Mẹ Tơm” đã đi vào lịch sử, bên tách trà ấm vào một buổi sáng chớm thu, những hồi ức về mẹ Tơm được ông Thu kể lại mạch lạc, sinh động.

Mẹ Tơm tên thật là Nguyễn Thị Quyển, sinh năm 1880, tại vùng Hanh Cát Hanh Cù (nay là xã Đa Lộc) huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Mẹ lấy chồng cùng quê là cụ ông Vũ Văn Sởn, sinh được 4 người con, hai người con trai của mẹ đều tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn rất trẻ. Trong đó, người con đầu là bố đẻ ông Vũ Xuân Thu. Sau khi chiến khu du kích Ngọc Trạo (huyện Thạch Thành) thất bại, tình thế nguy cấp, năm 1942, Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa phải chuyển sang Hậu Lộc tiếp tục hoạt động.

"Trong một lần cán bộ của ta đóng vai người đi buôn luồng đã gặp bố và chú tôi đang đi cắt tóc dạo. Họ xin hai ông được về nhà trọ mấy hôm. Từ đó, ngôi nhà tranh vách nứa ba gian trên cồn cát ven biển hoang vắng của bà tôi trở thành căn cứ cách mạng (Tỉnh ủy Thanh Hóa lâm thời). Căn buồng được dành riêng cho các bác hội họp bàn kế hoạch chiến đấu, viết truyền đơn tuyên truyền cách mạng", ông Thu kể lại.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa lâm thời bấy giờ là ông Lê Tất Đắc, sau đó là ông Tố Hữu. Ở nhà Mẹ Tơm còn có các ông: Trịnh Ngọc Điệt, Hoàng Tiến Trình... Từ cuối năm 1942 đến đầu năm 1944, ngôi nhà lá 3 gian của gia đình mẹ Tơm trở thành nơi nuôi giấu cán bộ; in tài liệu, truyền đơn và báo "Đuổi giặc nước"; đồng thời là nơi cất giấu nhiều tài liệu bí mật của Đảng.

Từ khi cán bộ đến hoạt động, túp lều của gia đình Mẹ Tơm trở thành căn cứ bí mật, nuôi giấu những “hạt giống đỏ” của cách mạng tỉnh Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung. Tất cả mọi người trong gia đình đều trở thành chiến sỹ cách mạng. Ngày ngày, chồng Mẹ Tơm ở nhà đan rá, rổ canh chừng người lạ đến nhà. Cả nhà mười mấy miệng ăn, cuộc sống khó khăn. Thương các đồng chí hoạt động cách mạng vất vả, Mẹ Tơm tất tả ngược xuôi buôn thúng bán mẹt kiếm thêm tiền, lo cơm nước, chăm sóc cả nhà. Tại nhà Mẹ, nhiều truyền đơn, báo được in ấn. Chẳng ai nghĩ được rằng, người mẹ nghèo, lam lũ, đôn hậu ấy lại dũng cảm mang theo truyền đơn dưới những gánh rau, bước chân mòn mỏi khắp các chợ: Hôm, Mành, Vích, Nghè, Choàng... có khi sang cả chợ Bạch (Nga Sơn) tuyên truyền cách mạng.

Giác ngộ cách mạng, hai người con trai của Mẹ là Vũ Văn Sồ và Vũ Đức Hậu cũng từ bỏ nghề đi chăn trâu thuê để làm nghề cắt tóc dạo lấy tiền nuôi các cán bộ đồng thời làm liên lạc, móc nối với các tổ chức, và phát báo, rải truyền đơn. Hiện nay, bộ tông đơ cắt tóc dạo ngày ấy, những hũ sành, hòm đựng tiền, gạo, quần áo và tư liệu của bộ đội vẫn được lưu giữ trong căn nhà lưu niệm của Mẹ Tơm trên quê hương Đa Lộc, Hậu Lộc.

Đầu năm 1944, cơ sở cách mạng nhà Mẹ Tơm bị bại lộ do có nội phản. Ngay lập tức Tỉnh ủy lâm thời tổ chức giải tán sang Hoằng Hóa, Nga Sơn. Địch cho quân về bắt bớ, lùng sục, tra tấn, đánh đập cả nhà mẹ Tơm nhưng không ai khai nửa lời. Bố và chú của ông Thu bị địch bắt giam cầm 2 năm trời tại nhà tù thị xã Thanh Hóa.

"Tôi nhớ vào khoảng năm 1951, trên đường ra Hà Nội công tác, ông Lê Tất Đắc, đã về thăm lại bà. Thời điểm đó, ông tôi đã mất. Khi tôi cùng bà chăn bò ở rừng cây phi lao bên bãi cát, thì ông Đắc chạy lại ôm chầm lấy bà như một người con sau bao ngày xa cách nay được gặp lại. Thấy người bà còm cõi, vẫn bộ quần áo nâu vá víu, ông thương lắm. Ông Đắc lấy từ trong ba lô mấy mét vải lụa biếu bà may quần áo. Đêm hôm đó, ông Đắc cùng người cận vệ về nhà tôi ngủ lại. Mọi người tâm sự đến 4 giờ sáng thì bác tôi tiễn chân ông Đắc qua đò sang Nga Sơn (Thanh Hóa) để đi ra Hà Nội", ông Thu nhớ lại.

Năm 1961, nhà thơ Tố Hữu có dịp quay trở lại thăm nhà Mẹ Tơm và cũng là lần đầu ông Thu được gặp nhà thơ Tố Hữu – người chiến sĩ cách mạng mà bà và người thân thường hay kể. 

Chú thích ảnh
Trong ký ức của ông Vũ Xuân Thu, người cháu nội cuối cùng còn sống của mẹ Tơm (năm nay cũng hơn 70 tuổi) thì cả cuộc đời bà nội dành trọn tình yêu cho cách mạng.

Ông Thu hồi tưởng lại, năm ấy tôi học cấp hai, được nghe tin nhà thơ Tố Hữu và hai đồng chí cán bộ Huyện ủy Hậu Lộc về thăm. Giữa trưa nắng, đường từ huyện về nhà 16 km rất khó đi, nhưng cả đoàn vẫn đạp xe về với tâm trạng xúc động. Mọi người tập trung lại nghe nhà thơ Tố Hữu kể về kỷ niệm ngày nào được mẹ Tơm nuôi giấu. Sau lần về ấy, bài thơ “Mẹ Tơm” ra đời, hình ảnh Mẹ được nhà thơ Tố Hữu tái hiện sinh động và cũng rất đời thường. Từ đó, mẹ Tơm đã trở thành bà mẹ huyền thoại được nhiều người biết đến”.

Lần thứ 2 ông Thu được gặp nhà thơ Tố Hữu là năm 1988, khi đó ông làm Trưởng Công an huyện Hậu Lộc, tháp tùng nhà thơ về thăm quê. Lần thứ 3, nhà thơ Tố Hữu cùng gia đình về thăm, khi đó ông làm Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Mỗi lần được gặp nhà thơ, được trò chuyện, ông Thu và những người thân trong gia đình đều cảm nhận được tình cảm chân thành, sự chu đáo, ân tình của người chiến sĩ cách mạng, nhà thơ dành cho mẹ Tơm, cho quê hương Đa Lộc.

Trong ký ức xa xăm của ông Vũ Xuân Thu, người cháu nội cuối cùng còn sống của Mẹ Tơm (năm nay đã hơn 70  tuổi) thì cả cuộc đời bà nội ông dành trọn tình yêu cho cách mạng. Dù ngày ấy vẫn là một đứa trẻ nhưng ông hiểu, các cán bộ cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa năm 1945 đã được bà nội nuôi giấu bằng tình yêu thương của một người mẹ. Mấy chục năm trôi qua kể từ ngày Mẹ Tơm mất, nhưng tấm lòng yêu thương người cán bộ cách mạng; tấm lòng thủy chung son sắt cùng cách mạng vẫn còn đó, vẫn sáng ngời cùng năm tháng.

Tin, ảnh: Khiếu Tư (TTXVN)
Cảm hứng nghệ thuật từ 'Vui bất tuyệt' của Cách mạng tháng Tám
Cảm hứng nghệ thuật từ 'Vui bất tuyệt' của Cách mạng tháng Tám

“Vui bất tuyệt” là cách nói của nhà thơ Tố Hữu (1920 - 2002) về hứng khởi nghệ thuật của văn nghệ sĩ từ Cách mạng tháng Tám: “Vui quá đêm nay/ Ta nhảy ta bay/ Trong lòng Hà Nội/ Biển sống trào lên thành đại hội…”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN