Hồ Chí Minh với sự ra đời của quân đội cách mạng

Sau ngày thành lập, theo kế hoạch đã vạch ra và cũng là theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã ra quân và giành thắng lợi ngay hai trận đầu - trận Phai Khắt ngày 25/12 và trận Nà Ngần ngày 26/12/1944 - mở ra truyền thống đánh thắng trận đầu vẻ vang của Quân đội ta.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang. Chính Người đã chỉ ra những phác thảo đầu tiên thành lập đội quân chủ lực đầu tiên của cách mạng Việt Nam.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc Quân lệnh số I Quyết định thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (22/12/1944).

 

Người trực tiếp viết bản chỉ thị lịch sử - Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân có giá trị như một cương lĩnh chính trị - quân sự về tổ chức xây dựng cũng như phương châm hoạt động của quân đội ta. Bài viết này xin điểm lại những nét chính trong quá trình chỉ đạo thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân của lãnh tụ Hồ Chí Minh cách đây năm.


Tới tháng 9/1944, kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa theo chủ trương của Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng tại hội nghị Lũng Sa (7/1944) đã được thực hiện phần lớn. Liên tỉnh ủy đang trù tính một cuộc hội nghị cuối cùng kiểm điểm công tác chuẩn bị và quyết định ngày giờ phát động khởi nghĩa. Giữa lúc đó, khoảng cuối tháng 10/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Trung Quốc trở về xã “đỏ” Nà Sác, huyện Hà Quảng.


Một buổi sáng tháng 10/1944, các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh tới gặp và xin ý kiến Người trong một lán nhỏ trên một quả đồi ở Lũng Cát, thuộc xã Nà Sác. Đồng chí Vũ Anh báo cáo tình hình phong trào cách mạng ở các tỉnh Cao - Bắc - Lạng, những khó khăn lớn trong việc liên lạc với Trung ương và với khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai, về nghị quyết vũ trang khởi nghĩa của Liên tỉnh ủy. Đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo về tình hình con đường Nam tiến, sự khủng bố của thực dân Pháp và chủ trương đối phó của ta.


Nghe xong, Người nhận định: “Phong trào lên, địch khủng bố là chuyện đương nhiên, nhưng có phần vì ta bộc lộ lực lượng” và chỉ thị hoãn ngay cuộc khởi nghĩa. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chủ trương phát động chiến tranh du kích ở Cao - Bắc - Lạng là mới chỉ căn cứ vào tình hình địa phương mà chưa căn cứ vào tình hình cụ thể trong cả nước, mới chỉ thấy bộ phận mà chưa thấy toàn cục”.


Lúc này, “Quân khởi nghĩa Cao - Bắc - Lạng đơn độc dấy lên nhất định đế quốc sẽ mau chóng tập trung lực lượng đàn áp. Riêng về mặt quân sự thì cũng không theo đúng nguyên tắc tập trung lực lượng; cán bộ, vũ khí đều phân tán, thiếu hẳn một lực lượng nòng cốt”. Người nhận định: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới. Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức đấu tranh thích hợp mới có thể đẩy phong trào tiến lên...”(1).


Rồi Người chỉ thị: “Bây giờ nên tập hợp những cán bộ, chiến sỹ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang để hoạt động. Ta sẽ dùng hình thức vũ trang để gây ảnh hưởng cách mạng sâu rộng trong quần chúng. Tác chiến phải gây được ảnh hưởng tốt về chính trị, do đó mà mở rộng cơ sở phát triển lực lượng vũ trang. Chúng ta sẽ lập đội quân giải phóng...”.


Người trực tiếp giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp nhiệm vụ này. Sau đó, khi trao đổi với đồng chí Võ Nguyên Giáp, Người phác thảo ra những nét chính về đội Việt Nam Giải phóng quân, từ tổ chức đến phương châm hành động và vấn đề cung cấp lương thực, đạn dược, quan hệ giữa đội chủ lực và các lực lượng vũ trang địa phương và theo phương châm “Người trước, súng sau”. Các đội viên phải là những người kiên quyết, hăng hái trong công tác, dũng cảm trong chiến đấu, có lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc. Phải cân nhắc từng người một, các cán bộ chỉ huy tiểu đội, trung đội chủ yếu lấy trong số cán bộ đi học quân sự ở nước ngoài về. Đa số họ đã trải qua chiến đấu và ít nhiều đã biết về kỹ thuật và kinh nghiệm quân sự. Trong đội phải có đủ thành phần Tày, Nùng, Mán, Kinh, người địa phương nào cũng có, nhằm phục vụ cho hoạt động sau này của Đội được thuận lợi. Người dặn: “Phải dựa chắc vào dân. Dựa chắc vào dân thì không kẻ địch nào tiêu diệt được ta”(2). Đặc biệt tổ chức phải lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo.


Sau đó, theo những chỉ dẫn của lãnh tụ Hồ Chí Minh, các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Quảng Ba họp bàn việc chọn người và tập trung vũ khí, thống nhất kế hoạch tổ chức cụ thể. Theo kế hoạch, lúc đầu tổ chức 1 trung đội gồm 3 tiểu đội, lực lượng chủ yếu lấy từ các đội vũ trang các châu Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, Ngân Sơn…, một phần khác chọn trong số các đồng chí từng học quân sự ở nước ngoài về. Sau khi lập xong danh sách, các đồng chí nhất trí chọn đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng; đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên.


Về tên gọi của Đội, các đồng chí dự kiến lấy tên là Đội Việt Nam Giải phóng quân.


Các đồng chí cùng thảo luận vấn đề về hoạt động quân sự đầu tiên, về bảo đảm hậu cần và về thời gian thành lập, dự kiến chậm nhất là vào hạ tuần tháng 12/1944.
Trong khi các đồng chí Võ Nguyên Giáp và Lê Quảng Ba đang trao đổi thì lãnh tụ Hồ Chí Minh đến. Sau khi nghe báo cáo các vấn đề dự kiến, về cơ bản Người nhất trí. Riêng về tên gọi Đội Việt Nam Giải phóng quân, Người chỉ thị thêm vào hai chữ “tuyên truyền” để mọi người ghi nhớ nhiệm vụ chính trị lúc này còn trọng hơn quân sự.


Về quan hệ giữa đội chủ lực đầu tiên này với các lực lượng vũ trang địa phương, Người khẳng định: Thống nhất chỉ đạo cả chủ lực và địa phương, các lực lượng ấy đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với nhau. Bộ đội chủ lực có nhiệm vụ dìu dắt, giúp đỡ bộ đội địa phương trưởng thành.


Người nhấn mạnh hai điểm: “Một là, cuộc chiến đấu đầu tiên phải là một cuộc thắng lợi”, bởi “cuộc chiến đấu ấy có tác dụng rất lớn lao và trong một phần lớn, sẽ quyết định tương lai của Đội. Hai là các cuộc hành động phải nhằm thời gian, phải nhằm địa điểm, tổ chức phải gọn gàng, chu đáo xuất sắc, làm cho vang dội đến khắp trong nước và vang dội cả ra nước ngoài. Sau mỗi thắng lợi phải triệt để lợi dụng để mở rộng tuyên truyền. Có thế Đội Giải phóng quân mới đạt mục đích tuyên truyền của nó, mới kêu gọi toàn dân đoàn kết, vũ trang đứng dậy, mới làm cho nước ngoài chú ý đến cuộc chiến đấu chống phát xít của dân tộc Việt Nam”(3).


“Bác yêu cầu thành lập nhanh, khi thành lập phải có những lời thề danh dự. Thành lập xong ra quân hành động có tính chất quần chúng. Trận đầu mặc dù đội quân mới thành lập còn non yếu nhưng phải chiến thắng. Điều đó sẽ ảnh hưởng tốt cho công tác tuyên truyền và tác động trong quần chúng”(4)… “Người cán bộ cách mạng bất kỳ làm việc gì cũng phải biết mình, biết người, phải điều tra nghiên cứu cẩn thận, biết rõ sức ta, sức địch, không được để sơ hở, làm lộ bí mật, hại đến phong trào”(5). Lúc chia tay các đồng chí Võ Nguyên Giáp và Lê Quảng Ba, Người còn dặn thêm: “Nhớ bí mật: ta ở Đông, địch ở Tây. Lai vô ảnh khứ vô hình”.


Về vũ khí, tập trung phần lớn vũ khí tốt nhất lấy từ các châu, từ cơ sở lên và từ nước ngoài về để trang bị cho Đội. Cho tới trước ngày thành lập, Đội chỉ có 2 khẩu súng thập, 17 khẩu súng trường Pháp; một số khẩu súng kíp, súng hỏa mai, còn lại là mã tấu, giáo, mác, 150 viên đạn, 1 hộp bom nổ chậm.


Về đảm bảo hậu cần cho Đội, các đồng chí đều xác định cơ bản là “dựa vào dân, dựa vào dân là có tất cả” như lời dặn của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Tuy vậy, lúc này có nhiều việc trước mắt cần phải chi tiêu. Do đó, lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định trích 500 đồng tiền Đông Dương trong quỹ Đảng và giao cho đồng chí Vũ Anh (lúc đó phụ trách tài chính của Đảng) thực hiện. Số tiền 500 đồng mà Bác giao cho Đội được đồng chí Võ Nguyên Giáp chuyển lại cho đồng chí Vân Tiên (tức Lộc Văn Lùng) quản lý để lo chi tiêu cho toàn Đội. Nhận số tiền này, đồng chí Vân Tiên đã cho mua ngay một chiếc chảo to để nấu ăn và gửi một ít tiền để mua thuốc ký ninh chống sốt rét cho Đội.


Trước ngày thành lập, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận được một bức thư nhỏ của lãnh tụ Hồ Chí Minh đựng trong một vỏ bao thuốc lá. Đó chính là chỉ thị về việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, do tự tay Người viết.


Về địa điểm để tổ chức lễ thành lập Đội, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã lưu ý đồng chí Võ Nguyên Giáp là tìm một căn cứ “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”. Sau khi cân nhắc các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, và cả mặt địa danh lịch sử, tên gọi, địa điểm được chọn là khu rừng đại ngàn nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám, thuộc châu Nguyên Bình, Cao Bằng.


Chiều 22/12/1944, Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã được tiến hành trang nghiêm.


Sau ngày thành lập, theo kế hoạch đã vạch ra và cũng là theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đội đã ra quân và giành thắng lợi ngay hai trận đầu - trận Phai Khắt ngày 25/12 và trận Nà Ngần ngày 26/12/1944 - mở ra truyền thống đánh thắng trận đầu vẻ vang của Quân đội ta.


Lúc này, ở khu căn cứ Lam Sơn (xã Phúc Tăng, châu Hòa An - nay là xã Hồng Việt, huyện Hòa An), lãnh tụ Hồ Chí Minh nhận được tinHồ Chí Minh với sự ra đời của quân đội cách mạng chiến thắng và biết được nơi đóng quân hiện tại của Đội ở Lũng Dẻ. Người liền triệu tập các đồng chí Vũ Anh, Phạm Văn Đồng và Lã (tức Hoàng Đức Thạc) - Bí thư Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng, tới họp bàn. Người phân tích và nhận định: Sau khi bị thua đau ở Phai Khắt và Nà Ngần, giặc Pháp sẽ mở cuộc càn quét truy tìm lực lượng vũ trang cách mạng, khủng bố trắng vùng Nguyên Bình và còn có thể mở rộng ra Hòa An và Hà Quảng. Rồi Người giao nhiệm vụ cho đồng chí Phạm Văn Đồng và Lã, thay mặt Tổng bộ Việt Minh và Liên tỉnh ủy, mang thư và quà của Người đến chúc mừng và úy lạo Đội. Người cũng dặn các đồng chí này nhắc đồng chí Võ Nguyên Giáp nên sớm rút quân khỏi Lũng Dẻ bởi tình hình lúc này đóng quân ở đấy lâu sẽ bất lợi. Vả lại, đây là một thung lũng kín đáo, hiểm trở, chỉ có một con đường ra vào, tiện cho việc canh gác, bảo vệ, nhưng nếu giặc Pháp biết và huy động quân tới bao vây thì Đội sẽ gặp khó khăn.


Lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng chỉ thị cho đồng chí Vũ Anh đến châu Quảng Uyên bàn với các đồng chí địa phương huy động lực lượng, tạo một hoạt động để gây tiếng vang, đánh lạc hướng, thu hút sự chú ý của giặc Pháp. Người còn dặn đồng chí Phạm Văn Đồng cho đăng tin về sự ra đời và những trận đánh thắng lợi của Đội tại Phai Khắt, Nà Ngần trên báo Việt Nam độc lập để khuếch trương thanh thế chiến thắng.


Về phần mình, sau hai thắng lợi ở Phai Khắt và Nà Ngần, để ghi nhớ công lao của vị lãnh tụ đã chỉ thị thành lập và có những định hướng hoạt động của Đội, toàn thể chỉ huy và đội viên quyết định tặng Bác thanh kiếm chiến lợi phẩm thu được trong chiến thắng Nà Ngần.


Từ đội quân ban đầu này, cùng với các lực lượng vũ trang cách mạng ở các địa phương, Quân đội nhân dân Việt Nam ngày một trưởng thành lên. Những dự đoán của Hồ Chí Minh trong bản chỉ thị lịch sử năm 1944 đã trở thành hiện thực: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam của chúng ta”.



Phan Sỹ Phúc


(1) Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Nxb CTQG, H, 1994, tr.121-123.
(2) Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Sđd, tr.121-123.
(3) Võ Nguyên Giáp, Đội quân giải phóng 1944-1947, Bản đánh máy, lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, tr.11, ký hiệu VL23017/85.
(4), (5) Vũ Anh, Những ngày gần Bác trong sách Đầu nguồn (tập hồi ký), Nxb Văn học, H, 1975, tr. 270.
pĐại tướng Võ Nguyên Giáp đọc Quân lệnh số I Quyết định thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (22/12/1946).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN