Một cơ chế cởi mở để cởi trói cho TP Hồ Chí Minh là cần thiết
Năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54/2017/QH về thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh (Nghị quyết 54).
Sau 5 năm thực hiện, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, Nghị quyết này đã tạo bước đột phá và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng như một số vấn đề trong nước, quốc tế, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, kinh tế TP Hồ Chí Minh tăng trưởng thấp và đối mặt với nhiều khó khăn: Nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, một số doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) rút khỏi thị trường, thu nhập của một bộ phận người dân giảm, sức mua trên thị trường yếu.
Theo ông Phạm Văn Hòa, Đảng bộ, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã nhìn thấy được các rào cản để đề xuất với Chính phủ và Quốc hội một cơ chế đặc thù mới, linh động và cởi mở hơn.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, cần thiết có một Nghị quyết mới cho “đầu tàu cả nước” bởi nếu kinh tế TP Hồ Chí Minh ì ạch, kém phát triển sẽ ảnh hưởng xấu đến đà phát triển chung của các tỉnh phía Nam và cả nước.
Còn đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cũng cho rằng, mức tăng trưởng trung bình của TP Hồ Chí Minh trong quý I/2023 rất thấp, gần như thấp nhất cả nước không phải do năng lực lãnh đạo của chính quyền TP Hồ Chí Minh và sức bật của người dân và doanh nghiệp mà thể hiện rõ ràng, TP Hồ Chí Minh đang bị cơ chế, chính sách trói buộc. Việc có một cơ chế cởi mở để cởi trói cho TP Hồ Chí Minh là cần thiết ngay lúc này.
Đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích: Trước đây, Nghị quyết 54 cho phép UBND TP Hồ Chí Minh ban hành một số chính sách, nhưng sau này, có rất nhiều tỉnh, thành cũng được cho cơ chế đặc thù còn thoáng hơn Nghị quyết 54.
Theo dự thảo nghị quyết trình Quốc hội kỳ này, TP Hồ Chí Minh sẽ được hưởng cơ chế đặc thù bao gồm cả một số chính sách đã được ban hành trong Nghị quyết 54, một số chính sách đặc thù đã áp dụng cho các tỉnh, một số chính sách đang được bàn để chỉnh sửa như trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Đại biểu Hoàng Văn Cường nhận xét: “Có lẽ những cơ chế, chính sách này không hẳn đặc thù cho TP Hồ Chí Minh mà là cho địa phương một khuôn khổ để hành động nhanh hơn, tháo gỡ sớm hơn những vướng mắc chung”.
Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cá nhân ông ủng hộ cần thiết ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54. TP Hồ Chí Minh là đầu tàu nền kinh tế Việt Nam, là nơi có đủ điều kiện để thử nghiệm các chính sách mới mà pháp luật chưa quy định, chưa được luật hoá triển khai thực hiện. Đầu tư cho TP Hồ Chí Minh bằng cơ chế chính sách là đầu tư cho phát triển để đầu tàu kinh tế mạnh, là đầu kéo kinh tế của cả nước và hỗ trợ cho các vùng còn khó khăn.
"Việc chúng ta xây dựng Nghị quyết mới thay thế dành cho TP Hồ Chí Minh có những cơ chế đặc thù là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, cần tăng cường hơn nữa, giao trách nhiệm và phân quyền cho TP Hồ Chí Minh để thành phố thực hiện chủ động, linh hoạt, phù hợp với điều kiện của thành phố. Tới đây cũng phải nghĩ tới, có cần thiết xây dựng một luật dành riêng cho TP Hồ Chí Minh không, vì chúng ta có Luật Thủ đô rồi, nếu TP Hồ Chí Minh cần thiết thì cũng nghiên cứu thêm", đại biểu Tạ Văn Hạ cho biết.
Để TP Hồ Chí Minh trở thành “đầu tàu” kinh tế
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) cho biết, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 54 đã cho chúng ta những bài học kinh nghiệm nhất định. Do đó, quá trình chuẩn bị Nghị quyết mới đã được “ấp ủ” cả năm nay. Với một đô thị đặc biệt như TP Hồ Chí Minh hiện nay vẫn còn rất nhiều điểm nghẽn. Do đó, rất cần một Luật Đô thị đặc biệt trong thời gian tới. Việc triển khai thí điểm một số chính sách đặc thù cũng là cơ sở để sau này chúng ta triển khai, xây dựng Luật Đô thị đặc biệt.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, quan trọng hơn, trong nội dung Nghị quyết cũng đã bàn đến những vấn đề về quản lý đô thị, môi trường, quy hoạch, phát triển… để huy động được các nguồn lực của xã hội. TP Hồ Chí Minh huy động vốn đầu tư xã hội của khu vực tư nhân chiếm trên 70%. Cho nên, trong dự thảo Nghị quyết lần này đã áp dụng các cơ chế BT, BOT, PPP trên nhiều lĩnh vực, kể cả văn hoá và thể thao. Khi đó mới có đủ điều kiện để đầu tư hạ tầng cho kinh tế - xã hội, giao thông, kể cả văn hoá.
"Với quy mô kinh tế lớn nhất nước, đồng thời là một đô thị đặc biệt, trong khi chúng ta chưa có Luật Đô thị đặc biệt thì rất cần có một Nghị quyết riêng cho TP Hồ Chí Minh. Nghị quyết mới này cần có những chính sách, bao phủ trên nhiều lĩnh vực, như quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đô thị, môi trường, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tổ chức bộ máy, phát triển TP Thủ Đức… Như vậy, ở đây chúng ta đã có sự chọn lọc và tập trung một số chính sách trọng điểm", đại biểu Trần Hoàng Ngân cho hay.
Trong các cơ chế, chính sách mới được đề xuất trong dự thảo Nghị quyết mới, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đông Tháp) quan tâm nhiều tới vấn đề thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông.
Theo đó, chính quyền TP Hồ Chí Minh được sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập, thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 để thu hồi đất, tái định cư tại chỗ và tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị.
Theo ông Phạm Văn Hòa, với hệ thống hạ tầng giao thông như hiện nay, TP Hồ Chí Minh không cách nào có thể phát triển được.
“TP Hồ Chí Minh là đầu mối giao thương của cả nước nhưng hạ tầng giao thông, đô thị hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hạ tầng giao thông phát triển, kết hợp quản lý đô thị, xây dựng khu đô thị mới, tạo quỹ đất công sẽ tạo điều kiện cho TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh với nhiều công trình mang tầm vóc quốc tế”, đại biểu Phạm Văn Hoà cho hay.
Cũng theo đại biểu Phạm Văn Hòa, để triển khai, thực hiện chính sách mới hiệu quả, vấn đề cốt lõi, trọng tâm và căn cơ nhất chính là con người. “Nếu chúng ta chậm trễ, không quyết đoán, không dám nghĩ, dám làm hoặc chỉ làm cầm chừng thì không thể có đột phá, phát triển. Tôi tin rằng, TP Hồ Chí Minh với đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa, sẽ tạo ra bước đột phá”, đại biểu tỉnh Đồng Tháp nêu.