Báo cáo Đoàn giám sát, bà Nguyễn Thị Màu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh; mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số 8%. Năm 2022, tỉnh giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo, đạt 100% kế hoạch. Năm 2023 sẽ rà soát vào cuối năm.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đầu năm 2023, toàn tỉnh có 9.736 hộ nghèo, chiếm 4,84% và 7.426 hộ cận nghèo, chiếm 3,69%. Ước thực hiện năm 2023, tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1%, đạt 100% kế hoạch.
Trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin, đến nay, toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành/đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 39/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 76,47%; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Ngoài ra, tỉnh đã đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận cho 175 sản phẩm OCOP, trong đó: có sản phẩm 4 sao; 107 sản phẩm hạng 3 sao. Mục tiêu năm 2023, có thêm ít nhất 24 sản phẩm được công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 - 4 sao.
Nguồn vốn tín dụng được bố trí năm 2022 và đến tháng 9/2023 góp phần thực hiện các tiêu chí nông thôn mới là trên 7,5 tỷ đồng, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện giải ngân 7,4 tỷ đồng. Đối với Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, nguồn vốn tín dụng chính sách Trung ương phân bổ trên 17,3 tỷ đồng, hiện đã giải ngân 100%.
Về tình hình triển khai các chính sách tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tổ chức rà soát nhu cầu nguồn vốn tín dụng đối với các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, tổng hợp nhu cầu vốn vay năm 2022 và năm 2023 là 589,6 tỷ đồng. Đến nay, tổng dư nợ đạt 300,2 tỷ đồng.
Ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh và cho rằng, qua việc thực hiện các Chương trình, cơ sở hạ tầng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng hoàn thiện, xuất hiện nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Việc xây dựng nông thôn mới làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội đề nghị, trên cơ sở nguồn lực hiện có, tỉnh cần quyết liệt hơn nữa trong công tác giảm nghèo bền vững; tiếp tục đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia; rà soát các đối tượng vay vốn chính sách, đảm bảo hỗ trợ nhanh và đúng đối tượng. Các thành viên đoàn giám sát tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của tỉnh và giải quyết nhanh chóng theo thẩm quyền.
Tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát, bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; tiếp tục rà soát, tổ chức thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hộ nghèo; phấn đấu hoàn thành giải ngân đạt kế hoạch nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tổng kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được giao trên 379,6 tỷ đồng. Năm 2022, UBND tỉnh giao kế hoạch vốn cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là trên 141 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 73,65%. Năm 2023, tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là trên 236,2 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 50,24% kế hoạch.