Để làm rõ về thực trạng triển khai số hóa nền kinh tế hiện nay, bên lề kỳ họp, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội xung quanh vấn đề này.
Kinh tế số là một trong những nội dung quan trọng đang được Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm. Đại biểu có nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
Việt Nam đặt mục tiêu, nỗ lực đi đầu thậm chí là đi trước trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư để không bị tụt hậu hay bị lùi lại phía sau so với nhiều nước phát triển và đang phát triển trong khu vực; cũng như trên toàn thế giới. Trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nổi lên vấn đề kinh tế số và đẩy mạnh tỷ trọng kinh tế số trong các chỉ tiêu tăng trưởng. Đây là nội dung mà rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và cử tri cả nước đều đặt kỳ vọng lớn.
Thúc đẩy kinh tế số không chỉ là nhiệm vụ mà còn là sứ mệnh, là trọng trách mà Việt Nam cần ưu tiên nguồn lực để đầu tư ngay lúc này và cả trong tầm nhìn dài hạn. Toàn bộ hệ thống chính trị; trong đó, đặc biệt là doanh nghiệp, doanh nhân phải nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc thúc đẩy nền kinh tế số. Khu vực doanh nghiệp và số đông người làm kinh doanh hiện nay đều rất quan tâm đến việc phải tạo ra nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin giúp cho kinh tế số phát triển; tạo ra một hệ thống hành lang pháp lý hướng tới đảm bảo sự bình đẳng giữa những người kinh doanh trong nền tảng kinh tế số với những người kinh doanh theo phương thức truyền thống lâu nay.
Cùng với khuôn khổ pháp lý thì cũng cần tạo ra được những công cụ mới để kiểm soát những hoạt động không lành mạnh trên môi trường mạng. Hiện nay, đấy là điều đang gây nên những bức xúc trong hoạt động kinh doanh và cả trong đời sống xã hội.
Những nội dung này, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông cần giải trình và làm rõ để đáp ứng một cách thỏa đáng những thắc mắc và ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Qua hơn 2 năm triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng tới năm 2030, đại biểu đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được?
Đúng là về mặt chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế số, Việt Nam đã tính tới từ khá sớm. Thậm chí được cụ thể hóa bằng Quyết định 749/NQ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 3/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, nhắm tới mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Tuy nhiên những thành quả thực tế đạt được còn rất khiêm tốn. Thậm chí, nhiều lĩnh vực còn chưa được khai thác hiệu quả nếu không muốn nói là đang đi sau xu hướng chung của toàn cầu.
Điển hình như hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh trên mạng... hiện nay, hầu như thị phần của lĩnh vực này đang rơi vào tay của các nhà kinh doanh nước ngoài trong khi sở hữu của các doanh nghiệp trong nước thì chiếm thị phần rất nhỏ. Điều ấy chứng tỏ rằng, nếu không cẩn trọng, Việt Nam có thể sẽ tiếp tục đi sau và sẽ mất đi cơ hội vươn lên, vượt lên phía trước trong phát triển kinh tế - xã hội.
Nguyên nhân thì có thể nhiều. Bản thân việc đầu tư cho kinh tế số cũng đang được coi là lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và còn rất mới mẻ nên đòi hỏi đầu tư ban đầu rất lớn. Nghĩa là cần có những nhà đầu tư rất có tiềm lực, dám chấp nhận đầu tư rủi ro để tham gia vào sân chơi này. Muốn có sự dấn thân của họ, cần có những cơ chế, những khuôn khổ pháp luật để làm bệ đỡ và tạo dựng niềm tin nơi các nhà đầu tư tư nhân.
Rõ ràng là chúng ta đang thiếu nhiều thứ. Thứ nhất là chưa có những nhà đầu tư sẵn sàng dấn thân vào môi trường kinh tế số, chưa dám mạnh dạn đầu tư, chấp nhận mạo hiểm để chúng ta chiếm lĩnh sớm thị phần này. Thứ hai là nền tảng về công nghệ thông tin cho kinh tế số thì cũng chưa phải thực sự đã đồng bộ. Vì như đã biết, muốn phát triển kinh tế số thì hệ thống nền tảng công nghệ thông tin phải đồng bộ. Nếu hoạt động kinh doanh hoàn toàn dựa trên nền tảng công nghệ của nước ngoài thì sẽ bị động và rủi ro cao. Thứ ba nữa là công cụ về luật pháp để trợ giúp cho các nhà kinh doanh trong nước có được lợi thế hơn, ưu thế trong cạnh tranh hơn thì cũng còn chưa có, chưa được tính tới...
Tới đây, theo đại biểu, Bộ Thông tin và Truyền thông cần làm gì để phát huy hơn nữa vai trò của đơn vị cơ quan quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy nền kinh tế số tại Việt Nam?
Tôi cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực thông tin truyền thông cần xây dựng hướng đi, lộ trình để phát triển hạ tầng công nghệ thông tin để cho các nền tảng số và kinh tế số được đẩy mạnh. Việc này không chỉ bản thân Bộ Thông tin và Truyền thông làm mà ít nhất phải có một đường hướng, một chiến lược. Qua đó, chỉ ra phần nào là hạ tầng cốt lõi mà nhà nước phải đầu tư; hạ tầng nào mà có thể tạo lập được sự phát triển để huy động sự tham gia của các doanh nghiệp; khai thác được sức mạnh của khu vực kinh tế tư nhân trong lĩnh vực này.
Nhà nước cũng cần mạnh dạn đặt hàng và đặt niềm tin vào doanh nghiệp để tạo nên những tập đoàn lớn, doanh nghiệp lớn, giúp họ có thể làm chủ trong lĩnh vực hạ tầng công nghệ thông tin. Ngoài ra, cần xây dựng khung khổ pháp lý để có công cụ bảo vệ; cũng như là quản lý các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số. Đương nhiên, kèm theo nền tảng công nghệ thông tin, kèm theo khung khổ pháp lý cũng cần có công cụ kiểm soát các hoạt động kinh doanh số bằng các công nghệ số.
Trân trọng cảm ơn đại biểu!